Ngày 16.11, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân TP.HCM tổ chức buổi giám sát tại Cục THADS TP.HCM.
Theo báo cáo, trong năm 2023, tổng số việc và tiền phải thi hành của các cơ quan THADS TP.HCM tiếp tục đứng đầu trong cả nước. Theo đó, tổng số việc phải giải quyết hơn 100.000 việc (thụ lý mới hơn 60.000 việc), tổng số tiền phải giải quyết hơn 143.900 tỉ đồng (thụ lý mới hơn 50.290 tỉ đồng), trong đó có nhiều vụ án lớn và phức tạp, nhiều tài sản khó xử lý, có vướng mắc về vấn đề pháp lý, tài sản hình thành trong tương lai...
Đối với thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về án tham nhũng, kinh tế đã vượt các chỉ tiêu của ngành đề ra. Tổng số phải giải quyết hơn 470 việc, ủy thác 4 việc.
Tổng số việc phải thi hành hơn 460 việc, trong đó có điều kiện thi hành hơn 320 việc, chưa điều kiện thi hành (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng) 128 việc, hoãn thi hành án 9 việc, thi hành xong hơn 170 việc đạt tỷ lệ hơn 52% trên số có điều kiện thi hành.
Tổng số tiền phải giải quyết hơn 74.770 tỉ đồng, ủy thác hơn 580 tỉ đồng. Tổng số phải thi hành hơn 74.000 tỉ đồng, trong đó có điều kiện thi hành hơn 41.500 tỉ đồng, chưa có điều kiện thi hành (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng) hơn 32.200 tỉ đồng, hoãn thi hành án hơn 336 tỉ đồng, thi hành xong hơn 17.700 tỉ đồng, đạt tỷ lệ hơn 42% trên số có điều kiện thi hành…
Số vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo tại TP.HCM là 40 vụ án, đã thi hành xong 3 vụ án: vụ buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma, vụ Vũ Huy Hoàng, vụ Phan Văn Anh Vũ do Cục THADS TP.Hà Nội ủy thác.
TP.HCM đã giao 2 tài sản lớn tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, số 8-12 Lê Duẩn; thực hiện việc cấn trừ nghĩa vụ thi hành án trong vụ Phạm Công Danh và hạch toán giá trị hơn 17.370 tỉ đồng. Ngoài ra, Cục THADS TP.HCM đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế, xác minh, xử lý tài sản để thu hơn 200 tỉ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Cũng theo Cục THADS TP.HCM, trong quá trình xử lý tài sản của một số vụ án tham nhũng kinh tế có một số khó khăn vướng mắc như vụ Hứa Thị Phấn (vướng về tình trạng pháp lý của Bệnh viện Phú Mỹ). Một số tài sản được cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc mua bán giấy tay, xây dựng không phép trong vụ Huỳnh Công Thiện (đất tại Q.12 và Q.Gò Vấp)…
Theo ông Phạm Huy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục THADS TP.HCM, việc thi hành các vụ việc liên quan đến thu hồi nợ của tổ chức tín dụng đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Nhiều việc thi hành án còn chậm tổ chức kê biên, thẩm định giá, đưa tài sản ra bán đấu giá hoặc chậm giao tài sản đã bán đấu giá thành.
Ông Hoàng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền: "Theo tôi cần có cơ chế chấp hành viên giám sát hoạt động của quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản khi thực hiện thanh lý tài sản vụ việc tòa án giải quyết phá sản, hướng dẫn về việc xử lý tài sản được hình thành trong tương lai".