Vươn ra khỏi 4 bức tường
Nhiều năm nay, với tốc độ phát triển kinh tế công nghiệp và thu hút nguồn vốn FDI từ nước ngoài, Bình Dương là một trong những tỉnh nằm top đầu trong lĩnh vực kinh tế xã hội.
Nhiều khu công nghiệp được xây dựng, tốc độ đô thị hoá tăng cao từ đó thu hút được người lao động trong và ngoài nước về tỉnh này sinh sống và làm việc. Theo số liệu thống kê, hiện nay tỉnh Bình Dương có hơn 1 triệu lao động đang sinh sống làm việc tại.
Cũng từ đây, nhu cầu an cư của người dân tăng cao, trong đó việc mong muốn tiếp cận với các dự án nhà ở xã hội (NOXH) luôn là tâm nguyện của những người công nhân lao động, người xa quê hương vào tỉnh Bình Dương lập nghiệp.
Đang sống trong khu nhà trọ diện tích chưa đầy 30m2, chị Nguyễn Hoài Thu (quê Thanh Hoá) cho biết: “Cách đây 7 năm, tôi vào Bình Dương xin làm việc trong KCN VSIP 1, rồi thuê trọ ở từ đó đến nay. Gia đình tôi đã sinh 2 người con, nhiều lần muốn chuyển trọ nhưng xác định vẫn phải chịu cảnh chật chội nên trước dịch covid-19 tôi và chồng đã tìm đến dự án nhà ở xã hội Becamex thuộc Tổng công ty Becamex IDC để mua. Tuy nhiên, không có đợt bán, đến giờ vẫn đang chờ cơ hội đến với gia đình”.
Cùng tâm trạng, anh Phạm Huy Quang (ngụ thị xã Dĩ An, Bình Dương) cho hay: “Tôi đã làm việc ở KCN Sóng Thần gần 20 năm, đã già rồi, nhưng vẫn phải đi ở trọ. Gần nửa năm nay, vợ và con tôi chuyển thẳng lên khu vực Tp.Thủ Dầu Một xin làm việc trong KCN VSIP 2 để đủ thời gian và đăng ký mua NOXH. Rất mong nhà nước xây nhiều NOXH để cho những người thu nhập thấp như chúng tôi có nhà để ở, thay vì trả tiền thuê trọ thì chúng tôi gom góp trả tiền cho chính ngôi nhà của mình”.
“Nhiều năm ở nhà trọ thấm cái cảnh đi thuê, quanh quẩn với 4 bức tường rồi, cố gắng gom góp được chút tiền không đủ mua căn hộ, nhà đất nhưng đủ khả năng mua NOXH, nên chỉ cần có dự án bán là tôi sẽ đăng ký ngay”, anh Quang tâm sự.
Giấc mơ an cư
Chị Phạm Thị Huệ, SN 1983, quê tỉnh Nghệ An cho biết, vào tỉnh Bình Dương lập nghiệp từ năm 2007, đã hơn 15 năm gắn bó với tỉnh Bình Dương. Chị xa quê vào tỉnh Bình Dương làm công nhân rồi lấy chồng và sinh con. Thu nhập 2 vợ chồng đủ trang trải cuộc sống và đỡ vất vả hơn ở quê.
Vì gắn bó với Bình Dương từ rất lâu và đây cũng xem như quê hương thứ 2 nên chị Huệ mong muốn có thể mua được nhà ở xã hội để an tâm làm việc. Tuy nhiên, việc tiếp cận mua được NOXH là rất khó, cần nhiều thủ tục xác minh.
“Lúc có nhu cầu mua nhà, thì cần nhiều giấy tờ lắm, phải chứng minh thu nhập, bảo hiểm xã hội, thậm chí phải đi xin tạm trú, xác nhận nơi tạm trú… Khi nghe thông tin là tôi và chồng tức tốc đi làm từ quê rồi vào tới tận Bình Dương, nhưng khi hoàn tất các thủ tục thì đã quá thời gian, có người còn không được xét duyệt. Đến nay, tôi vẫn phải theo dõi thông tin, nếu có thông báo dự án nào bán NOXH là sẽ chuẩn bị giấy tờ sớm nhất để mua. Làm công nhân nhu chúng tôi còn mong gì hơn mua được 1 căn NOXH để sinh sống”, chị Huệ chia sẻ.
Cũng vào tỉnh Bình Dương được hơn 3 năm và làm việc trong KCN, bà Hoàng Thị Dậu, 47 tuổi, quê Tiền Giang cho biết, cùng con trai từ quê lên Bình Dương. Con trai hiện đã lập gia đình và cả 2 đều làm cùng công ty, vợ chồng con của bà Hậu tiết kiệm được khoản tiền nhỏ và cả gia đình đang có kế hoạch đăng ký mua NOXH.
“Tôi nghe mua NOXH khó vì nhiều thủ tục và còn phải đăng ký chờ xét duyệt, nhưng tôi vẫn động viên con cố gắng làm việc và chuẩn bị các hồ sơ, theo dõi ở cơ quan ban ngành có thông tin thì đi đăng ký. Dù sao ở đây có công việc, nếu có nhà ở nữa thì không phải lo tiền trọ hàng tháng, tiền đó góp vào trả dần tiền nhà. An cư lập nghiệp, chứ ở dưới quê thì không biết khi nào mới khá nổi”, bà Dậu tâm sự.
Có thể thấy, rất nhiều người dân, công nhân đang sinh sống làm việc tại Bình Dương vẫn luôn mong ước bản thân mua được, sở hữu được căn NOXH. Đây sẽ là nơi an cư lập nghiệp, quê hương thứ 2 nuôi dưỡng các thế hệ và thay đổi cuộc sống của mỗi người, mỗi nhà.
Mời độc giả đón đọc bài 2: Giải bài toán pháp lý NOXH, chuyện an cư không còn xa vời