Phòng thủ, tích cóp và bắt nhịp xu thế
Nêu ý kiến tại hội thảo "Tháo van tín dụng - khơi thông tăng trưởng" do báo Dân trí tổ chức sáng nay (17/11) tại TPHCM, chuyên gia kinh tế - TS Võ Trí Thành nêu 3 nhóm từ khóa về cơ hội mới cho doanh nghiệp hiện nay.
Thứ nhất là phòng thủ. Các doanh nghiệp phải biết chắt chiu, quản trị rủi ro, có kịch bản phát triển kinh doanh bền vững. Tình hình kinh tế bất ổn, doanh nghiệp phải có phương án tác chiến để phản ứng kịp thời, đồng thời học hỏi các công cụ quản trị rủi ro.
Thứ 2 là tích cóp, nhặt nhạnh cơ hội. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều bất ổn, doanh nghiệp cần có sự chuyển đổi linh hoạt tới những nơi tiềm năng. Tại Việt Nam, ngoài các địa phương giảm thì Bắc Giang có thể tăng trưởng trên dưới 20% trong năm nay nhờ chiến lược thu hút nhà đầu tư. Bắc Giang đã duy trì tăng trưởng 3 năm nay và TP Hải Phòng cũng đang làm tốt việc này.
Thứ 3 là bắt nhịp xu thế. Ông Thành nhấn mạnh: "Chúng ta không thể chờ quá 3 năm mà phải cố gắng nắm bắt cơ hội trong vòng 3 năm tới". Trong đó, các ngành được quan tâm là công nghệ cao, giáo dục, y dược, chất bán dẫn, hàng không… Chuyên gia dự báo sẽ có rất nhiều đại gia lớn của thế giới đến TPHCM trong thời gian tới. Đây là những cơ hội chưa từng có mà địa phương phải nắm bắt.
Riêng về xu hướng "xanh", các tập đoàn tài chính lớn cam kết chỉ cho vay nếu đảm bảo một số tiêu chí "xanh" nhất định. Chuyên gia lấy ví dụ chuyển sang xe điện xanh cũng là cách để huy động vốn. Nền kinh tế tuần hoàn là xu hướng chung của các hoạt động trên thị trường.
Ngoài ra, doanh nghiệp đang "đi cùng, ăn cùng" chuỗi cung ứng nhưng 10-15 năm nữa phải làm chủ được công nghệ lõi gồm bán dẫn, chip, vi mạch… Để chơi cùng với "người lớn", với "nhà giàu", ông cho rằng cần chuẩn bị nền tảng để "bắt tay" doanh nghiệp lớn. Đó là văn hóa ứng xử, văn hóa doanh nghiệp, sự chân thành, đoàng hoàng, nghĩ lớn. Điều này quan trọng trên cả nhân lực, nhân lực (ở vị trí thứ 2).
Ông Thành dẫn lại lời của cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan khi nhận định về người Việt. Người Việt ta có thể nhìn nhau say đắm nhưng lại đố kỵ nhau. Người Việt rất chăm chỉ, ham làm nhưng vô kỷ luật. Một người thì giỏi nhưng làm việc nhóm lại kém. Người Việt xoay xở rất tài nhưng thiếu bài bản, linh hoạt nhưng thiếu tầm nhìn xa trông rộng. Do đó, ông cho rằng cần xây dựng văn hóa của người Việt nhưng phát huy được những nét đẹp của vế trái nêu trên để nắm bắt được cơ hội, vượt qua khó khăn.
Việt Nam là nơi tốt nhất về niềm tin chính trị, sự cung ứng
Chuyên gia Võ Trí Thành đánh giá Việt Nam là nơi tốt nhất về niềm tin chính trị, sự cung ứng, các chiến dịch toàn diện… Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất. Lãi vay cũng đã bắt đầu giảm dù chưa bằng giảm lãi huy động. Tổng cầu tiêu dùng, xuất khẩu đầu tư có điểm tích cực, dù cơ bản vẫn còn rất khó khăn.
Ông nêu ra các nhóm chính sách quan trọng nhất có ảnh hưởng tới nền kinh tế. Trong đó, nhóm thứ nhất là tài chính tiền tệ, lạm phát ổn, thanh khoản ổn, hệ thống tài chính ngân hàng ổn. Lạm phát có thể tăng nhưng phải ổn.
Nhiều chính sách giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2024. Lãi suất trước mắt rất khó giảm, áp lực không phải lạm phát mà chủ yếu là vấn đề tỷ giá. Ông Thành hi vọng tỷ giá xuôi hơn, giữ được vĩ mô. Tín dụng tăng trưởng vẫn thấp so với mục tiêu 14% mà nguyên nhân là không có đầu ra, tiêu chuẩn người đi vay chưa được đáp ứng...
Nhóm chính sách tiếp đó là hỗ trợ tổng cầu (lao động, giảm thuế VAT, kích thích du lịch, đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài…). Chuyên gia hi vọng đầu tư tư nhân không phải gửi tiền vào ngân hàng mà để sản xuất, kinh doanh.
Nhóm nữa là sửa đổi luật lệ làm cho bộ máy "nhúc nhích". Một số tỉnh thành đã được tạo cơ chế đặc thù như Khánh Hòa, Cần Thơ, TPHCM, tạo chính sách mới. Bên cạnh đó là sửa đổi một số luật cũ như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Các tổ chức tín dụng.
Kết luận, ông Thành tin rằng lịch sử Việt Nam đẹp và huy hoàng nhất chính là thời điểm vượt khó. Vì thế, tranh thủ được lợi thế, nắm bắt được cơ hội không chỉ giúp Việt Nam vượt qua khó khăn, mà còn thay đổi để bắt kịp, đi nhanh cùng với thế giới.