Theo Hãng tin Reuters ngày 17-11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Bộ Năng lượng Philippines Raphael Lotilla vừa ký kết Thỏa thuận 123 về hợp tác hạt nhân giữa hai nước.
Lễ ký kết được tổ chức bên thềm Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 tại San Francisco (Mỹ).
Thỏa thuận 123 là loại thỏa thuận đặc biệt yêu cầu bên ký cam kết không sử dụng các nguyên liệu hạt nhân được chuyển giao để sản xuất vũ khí hạt nhân.
Đây là thỏa thuận quan trọng, cho phép các công ty điện hạt nhân Mỹ yên tâm đầu tư vào một quốc gia mà không lo vi phạm các quy định liên quan đến việc chạy đua vũ trang.
Với thỏa thuận này, các doanh nghiệp Mỹ sẽ được phép xuất nhiên liệu hạt nhân, lò phản ứng, trang thiết bị và các chất liệu hạt nhân đặc biệt khác xuất khẩu sang Philippines.
Có mặt tại lễ ký kết, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tuyên bố: "Chúng tôi hướng đến việc năng lượng hạt nhân trở thành một phần hệ thống điện Philippines trước năm 2032. Chúng tôi sẽ rất vui khi có Mỹ là đối tác trên con đường này".
Tổng thống Philippines cũng nhấn mạnh năng lượng hạt nhân là một trong những lĩnh vực thể hiện mức độ quan hệ đồng minh và đối tác Philippines - Mỹ có ích cho nhân dân, kinh tế và môi trường hai nước.
Bên cạnh đó ông Marcos khẳng định thỏa thuận vừa được ký kết là một phần trong quá trình hoàn thành cam kết xây dựng "nguồn cung điện giá rẻ, đáng tin cậy và bền vững cho cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng" mà ông từng đưa ra.
Quá trình đàm phán cho việc ký kết Thỏa thuận 123 được khởi động trong chuyến công du đến Philippines của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris hồi tháng 11-2022.
Theo ông Blinken, việc Philippines hoàn thành quá trình này trong một năm đánh dấu tiến độ nhanh nhất trong lịch sử Thỏa thuận 123.
"Với việc nhu cầu năng lượng lúc cao điểm nhất của Philippines dự kiến sẽ tăng gấp bốn lần vào năm 2040, điện hạt nhân sẽ liên tục cung cấp đủ năng lượng cho các nhu cầu quan trọng nhất của cộng đồng mà không phát thải khí nhà kính", ngoại trưởng Mỹ khẳng định.
Philippines đang là một trong những quốc gia có giá điện cao nhất khu vực. Theo mục tiêu môi trường của nước này, Manila hướng đến việc nâng tỉ trọng năng lượng tái tạo (không bao gồm năng lượng hạt nhân) lên 35% sản lượng điện năm 2030 và 50% vào năm 2040.
TTCT - Những lần xuất hiện liên tiếp của tân Tổng thống Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr. của Philippines tuần rồi ở New York khiến phải quan tâm đến ông, dù ông mới cầm quyền có 88 ngày tính đến thứ hai 27-9, chưa hết "tuần trăng mật".