Đó là những con số về thị trường nhà ở được nêu ra trong báo cáo về thị trường bất động sản 10 tháng đầu năm 2023 vừa được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) gửi Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước.
Nhà ở giá bình dân đã hoàn toàn biến mất
Theo HoREA, 9 tháng đầu năm 2023, tại TP.HCM có 13 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện để huy động vốn với 15.020 căn (tăng 1,37 lần so với cùng kỳ năm 2022 nhưng doanh thu huy động giảm 4,7%) gồm 13.767 căn chung cư (chiếm 91,6%) và 1.253 căn nhà thấp tầng (chiếm 8,4%).
Trong đó, phân khúc nhà ở cao cấp có 9.969 căn, chiếm 66,37% (cao hơn tỉ lệ 58% của cả nước), phần còn lại là phân khúc nhà ở trung cấp có 5.051 căn, chiếm 33,63% (cao hơn tỉ lệ 26% của cả nước) và vẫn tiếp tục tình trạng không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân giá vừa túi tiền, cũng không có thêm nhà ở xã hội.
HoREA cho biết thị trường bất động sản cả nước và TP.HCM tiếp tục bị lệch pha cung - cầu, rất thiếu nguồn cung dự án dẫn đến rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là thiếu nguồn cung nhà ở bình dân, giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Thông tin cụ thể về sự lệch pha cung cầu đối với thị trường bất động sản TP.HCM mời bạn đọc xem đồ họa dưới đây:
Cần giải những nghịch lý của thị trường bất động sản
HoREA đánh giá thị trường bất động sản tiếp tục bị mất cân đối, lệch pha sản phẩm nhà ở, lệch về phân khúc nhà ở cao cấp. Từ năm 2020 đến nay, nhà ở cao cấp luôn chiếm tỉ lệ áp đảo lên đến 70 - 80% sản phẩm nhà ở trên thị trường, phần còn lại là nhà ở trung cấp và hầu như không còn nhà ở bình dân.
HoREA nhận định giá nhà tăng liên tục từ năm 2017 đến nay và vẫn neo cao, vượt ngoài khả năng tài chính của người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, thậm chí cả cán bộ, công chức, viên chức… Với căn hộ bình dân có giá 2-3 tỉ đồng, người có thu nhập trung bình thấp, có tiền để dành được khoảng 100 triệu đồng/năm cũng phải mất khoảng 25 năm mới có thể mua được nhà.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch HoREA - cho biết nếu không thay đổi chính sách nhà ở xã hội, người nộp thuế thu nhập cá nhân bậc 1 (hiện quy định dưới 60 triệu đồng/năm) cũng không được mua nhà ở xã hội, nhưng cũng không đủ khả năng tài chính để mua nhà ở thương mại giá bình dân và lại đối diện với nghịch lý quá hiếm loại nhà ở thương mại giá bình dân.
Theo ông Châu, dựa vào các thống kê trên, có thể thấy rõ từ sau năm 2017, thị trường TP.HCM đã liên tục bị sụt giảm nguồn cung và kể từ năm 2020 còn bị lệch pha sản phẩm nhà ở và lệch về phân khúc nhà ở cao cấp dẫn đến tình trạng giá nhà tăng liên tục cho đến nay.
Ông cho hay hiện nhu cầu nhà ở đáp ứng nhu cầu thực của xã hội vẫn rất lớn, nhất là nhu cầu loại nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội.
Do đó nếu doanh nghiệp địa ốc và người mua nhà tiếp cận thuận lợi thị trường vốn, tín dụng và tháo gỡ được các vướng mắc pháp lý cho khoảng 1.000 dự án bất động sản trong cả nước và doanh nghiệp nỗ lực tái cấu trúc, tái cơ cấu sản phẩm nhà ở hướng về nhu cầu thực, kéo giảm giá nhà về mức hợp lý, thị trường bất động sản có triển vọng phục hồi, tăng trưởng trở lại từ nửa cuối năm 2024.
Dù nguồn cung căn hộ giảm mạnh, đôi bờ sông Sài Gòn vẫn có nhiều dự án bất động sản đang phát triển, đa phần là căn hộ hạng sạng với giá hàng trăm triệu đồng/m².