Tại buổi gặp gỡ, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều nêu khó khăn về nguồn vốn, muốn được ngân hàng giải ngân phải có đơn hàng xuất khẩu, mặt khác khi tham gia thị trường nội địa phải chịu thuế VAT 5% làm hạn chế hiệu quả kinh doanh.
Ông Trần Trương Tấn Tài - giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam - cho biết thời gian qua doanh nghiệp mua lúa cầm chừng, bởi giá lúa hiện nay đã tăng đến 9.600 đồng/kg.
"Giá lúa biến động ngoài sức tưởng tượng của doanh nghiệp, hiện chúng tôi tập trung xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao, chấp nhận lượng hàng đi không lớn, nhưng giá trị cao.
Như hiện nay giá lúa tăng cao, trong khi doanh nghiệp chỉ có thể thu mua 7.000 đồng/kg, tính hết chi phí nông dân có lời 41%, thì gạo mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường", ông Tài nói.
Theo ông Trương Văn Chính - giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chơn Chính, trong liên kết để đảm bảo hài hòa lợi ích tránh định giá trước từ đầu vụ, thị trường đến đâu chúng ta theo đến đó cùng chia sẻ lợi ích với nông dân.
"Hiện doanh nghiệp cũng khá khó khăn do đội vốn lên trong quá trình thu mua và nâng cấp mở rộng nhà xưởng, mong muốn hợp tác được với các ngân hàng lớn tại Đồng Tháp nhằm mở rộng vùng liên kết.
Bên cạnh đó, việc thu mua phải nhanh, cần sự hỗ trợ của ngân hàng và sự thấu hiểu chia sẻ của hợp tác xã và nông dân với doanh nghiệp", ông Chính nói.
Còn đại diện các ngân hàng khẳng định hiện nay vốn cho vay của ngân hàng luôn thừa, đối tượng xuất khẩu gạo lãi suất có thể thấp đến mức 4%.
Ông Nguyễn Thái Ngọc - phó giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Sa Đéc - cho biết ngân hàng cấp hạn mức gần 1.000 tỉ đồng cho tất cả các doanh nghiệp thời điểm này chỉ sử dụng khoảng 2/3.
"Lãi suất cho doanh nghiệp đã giảm từ 2 - 3%, mức lãi suất phổ biến 6,5 - 7%, phụ thuộc vào chính sách của mỗi ngân hàng, thực tế ngân hàng có quy định để đảm bảo an toàn tín dụng, cấp một phần tín dụng tín chấp tạo điều kiện cho doanh nghiệp", ông Ngọc nói.
Ông Lê Quốc Phong - bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - kết luận về tổng thể doanh nghiệp đặt ra nhiều khó khăn về giá nguyên liệu đầu vào, câu chuyện về vốn, logistics, hợp tác liên kết thuế và truyền thông… trên cơ sở đó lãnh đạo tỉnh sẽ tập trung giải quyết các kiến nghị thuộc thẩm quyền của địa phương.
"Doanh nghiệp cần vốn có tính thời điểm, còn ngân hàng có chủ trương cho vay theo quy định, nhưng làm sao linh hoạt các thủ tục để doanh nghiệp kịp thời có vốn nhằm ứng phó với thị trường biến động. Tôi đề nghị hệ thống ngân hàng nghiên cứu thêm, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, lúa gạo là căn cơ nền tảng của đất nước cần ưu tiên hỗ trợ", ông Phong nói.
Đó là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp ngày 13-8.