Triết lý giáo dục "Thụ nhân" được hình thành từ giai đoạn lịch sử trước đã được Trường đại học Đà Lạt kế thừa một cách căn bản, xuyên suốt và cụ thể hơn với Khai phóng - Bản sắc.
Tiến sĩ Lê Minh Chiến, hiệu trưởng Trường đại học Đà Lạt, cho biết: "Thụ nhân - Khai phóng - Bản sắc" là những giá trị cốt lõi để nhà trường có vị thế và thành tựu như hôm nay.
Trong đó "Thụ nhân" là giá trị trung tâm, tương tự như ngày nay chúng ta hoặc các nước phương Tây hay nói: "Lấy người học làm trung tâm". Nhân 65 năm kể từ đợt tuyển sinh đầu tiên của Viện Đại học Đà Lạt, Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với tiến sĩ Lê Minh Chiến.
Thưa ông, hành trình "Thụ nhân" bây giờ của nhà trường và ngày xưa có khác nhau nhiều?
Chữ "Thụ nhân" nghe hơi lạ tai vì đã lâu chúng ta không nhắc về. Nhưng đó là giá trị lõi mà nhiều thế hệ nhà giáo đã căn vào đó để phát triển những chiến lược giáo dục. Từng thời điểm, cách thức tiến hành có khác nhau nhưng giá trị chung không thay đổi. Mọi vận hành của chúng tôi xoay quanh câu chuyện sinh viên, nhà nghiên cứu và học thuật.
Nhờ tôn trọng hành trình "thụ nhân" được tiếp nối mà nhiều anh chị sinh viên qua các thời kỳ từ 1958 đến nay đã trở thành những nhà khoa học uy tín, những doanh nhân nổi tiếng, các nhà tổ chức quản lý và hoạch định chính sách - xã hội giỏi.
Hiện trường đã là thành viên Hiệp hội CDIO quốc tế. Trường đã tập trung đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy theo hướng áp dụng chuẩn đầu ra CDIO, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, nhằm đảm bảo trang bị cho sinh viên toàn diện cả kiến thức, kỹ năng, thái độ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Hoạt động nghiên cứu khoa học có bước phát triển nhanh phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Lâm Đồng, Tây Nguyên và cả nước. Số lượng bài báo, công trình khoa học được công bố trong nước và quốc tế của nhà trường tăng mạnh.
Trong nhiều năm liên tục, trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo thưởng bài báo công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế thuộc danh mục Web of Science và Scopus, với số lượng bài báo ở top 20 trong 60 trường/viện trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Lãnh đạo các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nhìn nhận Trường đại học Đà Lạt có vị thế quan trọng trong đào tạo nhân lực cho vùng. Tôi nghĩ vị thế này xây dựng dựa trên những thành tựu?
Chúng tôi nghiêm túc với các "đặt hàng" đào tạo con người. Do đó chúng tôi khẳng định được vai trò, vị thế đối với đào tạo nhân lực vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Hoạt động giảng dạy phát triển dựa trên đội ngũ tiến sĩ chiếm 40% giảng viên. Nhà trường tự hào có 1 giáo sư toán học. Đây là giáo sư đầu tiên trong lịch sử nhà trường.
Trường và 10 ngành đào tạo của trường đã được kiểm định theo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Điều này khẳng định chất lượng đào tạo của trường được công nhận rộng rãi.
Tạp chí khoa học của Trường đại học Đà Lạt có uy tín hàng đầu trong hệ thống xuất bản khoa học quốc gia. Tạp chí đã hoàn thành việc chuẩn hóa các chính sách và quy trình xuất bản theo thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế, hội đủ điều kiện và được kết nạp làm thành viên chính thức của Ủy ban Đạo đức xuất bản quốc tế; được chỉ mục vào Thư mục Các tạp chí truy cập tự do DOAJ - một cơ sở dữ liệu khoa học quốc tế uy tín. Đồng thời, tạp chí đã được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận và tính từ 0,25 - 1,0 điểm cho 10 ngành, liên ngành.
Trường đã thiết lập được các mối hợp tác toàn diện với các địa phương, các tỉnh Tây Nguyên và vùng phụ cận. Trường đã thiết lập quan hệ với nhiều cơ sở đào tạo và nghiên cứu quốc tế, đặc biệt là các đối tác Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,... Việc đào tạo sinh viên nước ngoài và đưa sinh viên đi làm việc ở nước ngoài đạt được nhiều kết quả tốt, được các doanh nhân, doanh nghiệp đánh giá cao.
Một điều nho nhỏ thuộc về hoạt động cộng đồng nhưng với chúng tôi đó là niềm tự hào. Nhà trường đã đến gần nông dân và chuyển giao công nghệ miễn phí trong nhiều năm liền, từ đó phát triển sinh kế trong khu vực.
Những thành tựu này đã làm nên vị thế của Trường đại học Đà Lạt là một hành trình tập thể được kế thừa, phát triển trong suốt 65 năm qua.
Trong các cuộc họp gần đây về phát triển vùng, Trường đại học Đà Lạt đều được nhận những lời gửi gắm rằng phải đào tạo nhân lực tương thích nền kinh tế gắn với công nghệ cao. Theo ông, kỳ vọng này có quá lớn?
Nghị quyết mới nhất của Bộ Chính trị có đề cập đến việc phát triển nhân lực cho kinh tế công nghệ cao. Trường đại học Đà Lạt đã chuẩn bị điều này từ rất lâu, điều đó thể hiện rõ trong cách chúng tôi phát triển ổn định các ngành khoa học cơ bản, nâng chất những ngành có tính thực hành cao và làm việc với các tổ chức quốc tế để chuẩn hóa hệ thống đào tạo.
Trong định hướng Trường đại học Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chúng tôi đã vạch ra những đề mục lớn mà nhà trường đã có chất liệu để thực thi.
Trường đại học Đà Lạt sẽ xây dựng theo mô hình đại học trong đại học. Đại học Đà Lạt sẽ có ít nhất 3 trường thành viên. Định hướng này phù hợp với việc mở rộng quy mô và chuyên biệt hóa hoạt động đào tạo. Việc này quan trọng vì liên quan rất lớn đến chiến lược nhân lực cho vùng.
Việc mở rộng thêm ngành đi đúng xu hướng dài hạn của quốc gia là việc nhất định phải làm: đào tạo y sinh và có thể tiến tới đào tạo một số ngành chăm sóc sức khỏe; phát triển mạnh đào tạo công nghệ bán dẫn; đào tạo công nghệ logistics, phân phối sau thu hoạch.
Để làm được, bên cạnh xây dựng lực lượng nòng cốt là giảng viên cơ hữu của trường thì còn cần tăng cường hợp tác đào tạo cấp vùng, quốc gia và quốc tế.
Với Đà Lạt, điểm xuất phát và cũng là nơi thuộc về của trường, ông nghĩ thời gian ngắn tới đây Trường đại học Đà Lạt sẽ góp vào việc gì để tăng động lực phát triển cho thành phố?
Tôi hiểu anh đang nói đến việc gì đấy. Đó là một tin rất vui của thành phố Đà Lạt khi thành phố được UNESCO công nhận là thành viên của Mạng lưới sáng tạo toàn cầu lĩnh vực âm nhạc. Chúng tôi đã đóng góp đào tạo nhân lực đa ngành cho Đà Lạt và hiện việc này đang được tiếp tục triển khai và ưu tiên hàng đầu.
Thêm nữa, trước câu chuyện vui của thành phố, chúng tôi đã nghĩ đến việc phải mở một ngành đào tạo âm nhạc. Trước mắt triển khai theo hình thức liên kết đào tạo. Sứ mệnh thành phố sáng tạo âm nhạc của Đà Lạt sẽ dễ dàng thành hiện thực khi có dồi dào nhân lực trong lĩnh vực này. Chúng tôi có Đà Lạt, chúng tôi có cơ sở vật chất và chờ một cái bắt tay hứa hẹn. Học viện Âm nhạc TP.HCM là đối tác chúng tôi đang nghĩ.
Có một lần ông nhắc đến ý định về việc Trường đại học Đà Lạt trở thành một trung tâm "gặp gỡ Đà Lạt" với những hội thảo khoa học, chuyên môn với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và thế giới?
Việc này không phải nhắc đến, mà đang làm đấy. Chúng tôi đang thực hiện một số cơ chế, sắp xếp cơ sở vật chất để Đà Lạt có một khu vực hội thảo chất lượng nhằm mời chào các nhà khoa học đến làm việc, trao đổi chuyên môn. Đưa Đà Lạt thành "Tao Đàn" của khoa học.
Thông qua đó, chúng tôi có điều kiện nâng tầm chuyên môn của giảng viên, giúp sinh viên có điều kiện cọ xát học thuật và từ Đà Lạt có thêm nhiều báo cáo khoa học ấn tượng xuất hiện ở các tạp chí quốc tế.
Xem thêm: mth.5464940161113202-cas-nab-gnohp-iahk-nahn-uht-man-56-hnirt-hnah-tal-ad-coh-iad-gnourt/nv.ertiout