Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với PGS.TS NGUYỄN ĐỨC LỘC (viện trưởng Viện Social Life) và bà ĐẶNG NGỌC THU THẢO - giám đốc vận hành, dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động khối doanh nghiệp vừa và nhỏ ManpowerGroup Việt Nam - trước thực trạng thất nghiệp và thiếu việc làm trong thanh niên đang trở thành một nguy cơ rõ ràng.
Chất lượng lao động thấp, đào tạo nghề còn bất cập
* Thống kê 6 tháng đầu năm của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM cho thấy người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên chiếm 36% (trên 27.800 người), chỉ đứng sau nhóm không có bằng cấp, chứng chỉ. Suy nghĩ của ông thế nào về số liệu này?
- Ông Nguyễn Đức Lộc: Nhìn về chiều dài trong quá trình đào tạo, chúng ta có thể thấy hiện nay có sự lệch pha giữa nhu cầu của xã hội, của doanh nghiệp và công tác đào tạo.
Các ngành đào tạo thiên về lĩnh vực kinh doanh, thương mại nhiều hơn; các ngành kỹ thuật tham gia tỉ trọng thị trường không nhiều...
Bên cạnh đó, các trường có xu hướng đào tạo theo nhu cầu thị trường nhưng thị trường hiện nay chuyển biến rất nhanh.
Quá trình đào tạo, đôi khi thời điểm sinh viên bắt đầu học thì nhu cầu khác, nhưng diễn biến bốn năm sau thị trường sẽ thay đổi. Sự lệch pha này tạo ra khoảng trống về nhu cầu và khả năng đáp ứng cung - cầu của thị trường lao động.
* Tình trạng này có nguyên nhân không chỉ từ phía người lao động mà cả nhà trường, doanh nghiệp và chính sách?
- Ông Nguyễn Đức Lộc: Lao động trẻ Việt Nam đang phát triển về quy mô, nhưng cung luôn vượt cầu và chất lượng thấp. Một phần nguyên nhân đến từ việc kiến thức và kỹ năng được trang bị của người trẻ không phải lúc nào cũng hợp với thị trường lao động.
Hiện nay, doanh nghiệp tuyển dụng xoay quanh giải quyết nhu cầu việc làm trước mắt, chiến lược không rõ ràng. Trong khi đó, số doanh nghiệp cần tay nghề chuyên môn thì tùy thuộc giai đoạn, có lúc không cần nhiều lắm trên tổng số lao động.
Thực tế, các cơ sở đào tạo chủ yếu là các ngành nghề truyền thống, chưa bắt kịp yêu cầu thị trường lao động. Những ngành mới ra đời để thích ứng nhu cầu xã hội thì chưa có dự báo, đào tạo đáp ứng điều này, dẫn đến người học khó thích ứng sự thay đổi, đặc biệt là trong bối cảnh áp lực về số hóa, công nghệ.
Sinh viên có trình độ chuyên môn tốt nhưng phẩm chất nghề nghiệp, khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động chưa cao nên dẫn đến tình trạng lệch pha như hiện nay.
* Vậy nhà trường và doanh nghiệp cần phối hợp trong công tác đào tạo, tuyển dụng thế nào?
- Bà Đặng Ngọc Thu Thảo: Chúng ta có thể tạo điều kiện kết nối tốt hơn giữa doanh nghiệp và nhà trường, như đưa sinh viên thực tập tại nhà máy để hiểu quy trình làm việc, môi trường doanh nghiệp. Từ đó, sinh viên có kiến thức thực tiễn và doanh nghiệp cũng hưởng lợi khi có lực lượng lao động tạm thời có trình độ.
Việc hỗ trợ kết nối cơ sở dữ liệu giữa người lao động và doanh nghiệp là cần thiết, thông qua nền tảng sử dụng công nghệ AI. Qua đó, các cơ quan quản lý có thể tham gia điều tiết thị trường lao động, ví dụ có thể đưa ra các chương trình khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng lao động yếu thế hay giảm thiểu lao động người ngoài nước... dựa trên số liệu tình hình thị trường từ nền tảng.
* Các chính sách nâng cao tay nghề đã và đang thực hiện đã đáp ứng đủ nhu cầu thực tế chưa? Sắp tới, chính sách cần thay đổi như thế nào, thưa bà?
- Bà Đặng Ngọc Thu Thảo: Hiện nay, không chỉ có trung tâm giới thiệu việc làm cho người lao động mà Chính phủ đang có các chính sách hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề cho lực lượng này.
Tuy vậy, hiệu quả của chính sách sẽ được nâng cao nếu tạo được cơ chế hỗ trợ thông tin kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường, các cơ sở dữ liệu về ứng viên là sinh viên. Bản thân các cơ sở đào tạo đã xây dựng, phát triển những khoa, ngành đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và hợp tác với doanh nghiệp để tạo cơ hội cho sinh viên thực tập, làm việc ở nước ngoài.
Nâng cấp bản thân trước đối thủ robot
* Thị trường lao động đang xuất hiện tình trạng nhân sự kinh nghiệm lâu năm, kể cả lao động có chuyên môn cao như công nghệ thông tin, khi mất việc khó tìm được việc phù hợp hoặc phải thất nghiệp lâu, chấp nhận lương thấp hơn nơi cũ. Đây có phải là điểm bất thường hay đáng báo động trong thị trường lao động hiện nay?
- Ông Nguyễn Đức Lộc: Đây là xu hướng diễn ra ở các quốc gia khi vấn đề số hóa và chuyển đổi số phát triển mạnh. Vấn đề nhân sự có chuyên môn nhưng thất nghiệp trở nên hiện hữu hơn bởi sự thay đổi về số hóa và bối cảnh thị trường khó khăn về việc làm. Doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp khu vực sử dụng nhân lực, tăng dần khu vực sử dụng số hóa.
Xu hướng thứ hai là sự gia tăng thuê dịch vụ bên ngoài (outsourcing) theo công đoạn. Điều này dẫn đến có nhiều công việc bên ngoài hơn, nhưng đồng thời nhu cầu tuyển dụng nhân sự toàn thời gian trở nên ít hơn.
* Người lao động, nhất là thanh niên, cần làm gì để ứng phó hiệu quả khi nhiều công việc dần bị robot, AI thay thế?
- Bà Đặng Ngọc Thu Thảo: Việt Nam đang ở độ tuổi vàng của thị trường lao động. Vì vậy, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thách thức của AI..., người lao động cần luôn đào tạo và tự đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng, đặc biệt các nhóm kỹ năng số và kỹ năng mềm.
Chúng ta cần xác định rõ lộ trình sự nghiệp và mục tiêu nghề nghiệp, từ đó xác định những kỹ năng còn thiếu để trau dồi, tránh tình trạng dàn trải và lãng phí nguồn lực.
Ngoài ra, người lao động nên cân nhắc các hình thức làm việc tạm thời, theo thời vụ, theo dự án để đa dạng và tối ưu hóa nguồn thu nhập của mình.
Bên cạnh đó, người lao động đừng quá lo lắng về thực tế nhiều doanh nghiệp tăng tuyển lao động thời vụ thay vì full-time, hợp đồng dài hạn. Bởi những năm gần đây thị trường có một số xu hướng mới như làm việc từ xa, thời vụ, không cố định thời gian. Bản thân người lao động cũng có xu hướng tìm công việc cân bằng cuộc sống, tạo cảm hứng, dành thời gian cho gia đình và bản thân hơn.
* Sắp tới, khi kinh tế qua khỏi giai đoạn suy thoái, chuyên gia đánh giá thị trường lao động có tươi sáng hơn?
- Ông Nguyễn Đức Lộc: Theo tôi, thị trường lao động trong thời gian sắp tới sẽ có phân hóa cao. Thị trường sẽ cần nhiều nhân sự có kỹ năng công nghệ, đồ họa, hiểu biết về các ngôn ngữ lập trình...
Một điểm quan trọng nữa là về phẩm chất nghề nghiệp, những người tuân thủ và kiên trì với công việc sẽ có nhiều cơ hội đi sâu vào các ngách thị trường. Người không có nhiều kỹ năng có nguy cơ bị đẩy ra rìa, làm những công việc lặt vặt nhiều hơn vì có các công đoạn giữa doanh nghiệp sẽ sử dụng máy móc thay thế. Đây là sự phân hóa về nhân lực rất lớn.
Tình hình hiện nay thúc đẩy doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, tìm những giải pháp thay thế sức lao động con người vì doanh nghiệp hiện phải duy trì quy mô nhân lực lớn, áp lực trả lương hằng tháng... tạo gánh nặng.
Sau giai đoạn này, các bên liên quan đã quen với việc đổi mới, do đó nhân lực với kỹ năng bình thường sẽ chịu nhiều áp lực, phải làm nhiều việc hơn để đáp ứng yêu cầu.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ đại học có xu hướng tăng cao trong thời gian qua, chiếm khoảng 50% tổng số nhu cầu tuyển dụng trên thị trường.
Dẫn đầu là nhu cầu tuyển dụng môi giới bất động sản với kỳ vọng thị trường sẽ tăng trưởng trở lại trong cuối năm 2023 và đầu năm 2024, tiếp đến là nhu cầu tuyển dụng nhân viên marketing, nhân viên công nghệ thông tin, nhân viên lĩnh vực tài chính - ngân hàng - bảo hiểm. Với sự phát triển bùng nổ của khoa học - công nghệ hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao sẽ tiếp tục tăng cao, đây là cơ hội cũng là thách thức to lớn cho người lao động khi bước vào thị trường lao động.
Chưa tốt nghiệp, Lê Thu Hường - sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam - đã cộng tác cho một sàn thương mại điện tử với vị trí nhân viên digital marketing.