Đây cũng là một trong những ngôi trường có lịch sử lâu đời nhất tại TP.HCM, qua ba thời kỳ Áo Tím - Gia Long - Minh Khai.
Gia đình của bạn Nguyễn Ngọc Hân - đang là học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai - tạo được sự chú ý khi ba thế hệ cùng nhau về dự lễ kỷ niệm. Cả ba thế hệ đều là cựu học sinh của Trường Gia Long - Minh Khai.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Lan - bà nội của Hân - là cựu học sinh Trường nữ sinh Gia Long đầu thập niên 1960.
Trong hồi ức của bà Lan, thời hoa niên xa xưa đã lùi xa cách nay 60 năm. Bà nhớ nhất trong những năm học phổ thông tại trường là những ngày Sài Gòn biến động của cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm, thời điểm mà những học sinh vừa học, vừa quan tâm đến những biến chuyển thời cuộc.
Thế hệ thứ hai là ông Nguyễn Quang Vinh (ba của Hân) niên khóa 1986 - 1989 và ông Nguyễn Quang Sơn (chú của Hân) niên khóa 1988 - 1991.
Ông Vinh nhớ lại thời của ông, để vào được Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, học sinh phải dự thi và đạt chuẩn đầu vào cao. "Chỉ cần mặc áo có phù hiệu của Trường Minh Khai trên áo là một sự hãnh diện", ông Vinh nói.
Hiện tại, ông Nguyễn Quang Vinh đã trở thành phó giáo sư, giữ nhiệm vụ phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Thể dục thể thao TP.HCM.
Còn ông Nguyễn Quang Sơn đang là giám đốc Trung tâm Giáo dục thể chất của Đại học Kinh tế TP.HCM.
Thế hệ thứ ba là Nguyễn Ngọc Hân. Hân tâm sự từ những năm cấp II, bạn mong muốn được vào Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, một phần vì chất lượng dạy học, một phần vì… đồng phục đẹp. Đồng phục cho nữ sinh của trường hiện vẫn giữ màu váy tím và trên ngực áo có bông hoa mai - hai biểu tượng của học sinh Trường Áo Tím - Gia Long xưa.
Hân chia sẻ cả ba thế hệ gia đình cùng học trong một ngôi trường lịch sử là một sự ngẫu nhiên thú vị, và càng đặc biệt hơn khi được cùng nhau về trường đúng vào dịp kỷ niệm 110 năm.
Ngoài gia đình của Nguyễn Ngọc Hân, buổi lễ cũng vinh danh ba gia đình khác cũng có ba thế hệ học tại trường. Trong đó có em Lưu An Nhiên có cả bà nội, bà ngoại là học sinh Gia Long, đồng thời ba và mẹ đều là học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai.
110 năm Áo Tím - Gia Long - Minh Khai
Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai được khởi công xây dựng vào ngày 6-11-1913, có tên "Collège des Jeunes filles Indigènes", tức trường trung học cho nữ sinh bản xứ. Hai năm sau, ngày 19-10-1915, trong buổi lễ khánh thành, ban tổ chức đã chọn màu tím làm màu áo dài đồng phục cho nữ sinh. Tên "Trường Áo Tím" đã ra đời từ đó.
Năm 1940, Nha Học chính đổi tên trường thành Collège Gia Long (Cô-le Gia Long). Năm 1946, bãi bỏ các lớp tiểu học, chỉ còn các lớp trung học đệ nhị cấp, trường lại đổi tên lần nữa, gọi là Lycée Gia Long.
Từ năm 1951, chương trình giáo dục bằng tiếng Việt được sử dụng thay thế chương trình bằng tiếng Pháp. Kể từ đây, ban giám hiệu và giáo viên, giám học, tổng giám thị của trường đều là người Việt Nam. Cũng từ năm 1953, đồng phục áo tím năm xưa của nữ sinh được thay bằng màu trắng với phù hiệu hoa mai vàng năm cánh.
Sau ngày đất nước thống nhất, ngôi trường được đổi tên thành Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Đến năm học 1978 - 1979, cấp 2 được giải thể, chỉ còn cấp 3 và tuyển thêm cả nam sinh.
Tại buổi lễ kỷ niệm 110 năm thành lập, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá cao thành tích mà tập thể sư phạm, học sinh của trường đã đạt được trong nhiều năm qua, đồng thời kỳ vọng trường sẽ gặt hái được thêm nhiều thành công trong dạy và học thời gian tới.
AT - Trong đời học sinh của tôi, ngôi trường mà tôi yêu quý nhất, thương nhớ nhất đó là Trường nữ trung học Gia Long, trước kia là Trường Áo Tím, bây giờ là Trường Nguyễn Thị Minh Khai, tọa lạc tại số 275 Điện Biên Phủ, quận 3, TP.HCM.