Sáng 17/11, tại Gem Center, quận 1, TPHCM, báo Dân trí tổ chức hội thảo "Tháo van tín dụng - Khơi thông tăng trưởng". Ngay từ sớm, hàng trăm khách mời và diễn giả đã có mặt đông đủ để tham dự hội thảo.
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, chuyên gia kinh tế - tài chính, Hội doanh nhân trẻ TPHCM, doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề, sinh viên các trường đại học ở TPHCM.
Ông Phạm Tuấn Anh - Tổng biên tập Báo Dân trí - phát biểu khai mạc hội thảo. Tổng biên tập gửi lời chào mừng và cảm ơn các khách mời, đại biểu tham gia sự kiện.
Báo Dân trí tổ chức sự kiện tại TPHCM - đầu tàu kinh tế của cả nước. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng, doanh nghiệp sẽ cùng nhau đưa ra các giải pháp hướng tới năm 2024 khả quan hơn, mang lại những khởi sắc về kinh tế.
"Thông qua các phương tiện truyền thông, chúng ta thúc đẩy vai trò rất quan trọng của truyền thông chính sách, cùng khơi thông những nút thắt, tháo van để nguồn tín dụng đến đúng với đối tượng cần, tạo động lực cho phát triển kinh tế", Tổng biên tập Phạm Tuấn Anh phát biểu.
Trong bài tham luận mở màn hội thảo, TS Võ Trí Thành đánh giá Việt Nam là nơi tốt nhất về niềm tin chính trị, sự cung ứng, các chiến dịch toàn diện…
Về điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất. Lãi vay cũng bắt đầu giảm dù chưa bằng giảm lãi huy động.
Tuy nhiên, nợ xấu tăng nhanh nhất là với lĩnh vực bất động sản. Nợ xấu nội bảng cũng đã vượt quá 3%, nợ xấu của VAMC cũng tăng nhanh. Nợ xấu của các ngân hàng cũng lành mạnh nhưng còn một số đơn vị còn khó khăn chưa được xử lý triệt để như ngân hàng "0 đồng". Sự ổn định và sự cân đối của hệ thống thanh khoản để đảm bảo tỷ giá, lãi suất và cung tín dụng chưa đủ. Hiện tỷ giá đã giảm.
Thị trường bất động sản đang nỗ lực, các tín hiệu tích cực về thanh khoản, đã nhúc nhích đi lên...
Ông Thành còn điểm thêm một số câu chuyện về xuất khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, tiêu dùng, đầu tư tư nhân... với việc "hầu bao" của người Việt đã giảm nhanh. Trong đó, "lỗi của người giàu" là gần 3,5 triệu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Chúng ta đang đi ngược khi thay vì xuất khẩu du lịch ta lại nhập khẩu du lịch.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM - nêu tình hình tăng trưởng tín dụng thời gian qua, những giải pháp của Ngân hàng Nhà nước trong thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đáp ứng vốn cho nền kinh tế.
Từ nay đến cuối năm, để kích thích tăng trưởng, trong ngắn hạn, ngân hàng sẽ tập trung khai thác tính chất mùa vụ, dịp Tết nhu cầu vốn tăng cao, ngân hàng duy trì đảm bảo nhu cầu vốn dịp Tết, cho vay ngắn hạn doanh nghiệp giúp doanh nghiệp giảm giá thành khoảng 9.000 tỷ đồng cho vay qua doanh nghiệp kênh phân phối tiếp cận nguồn vốn giá rẻ… với lãi suất thấp (4-6%/năm).
Theo ông Lệnh, chúng ta cần có niềm tin. Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư tốt, niềm tin của người dân vẫn còn. Ngành ngân hàng thực thi và triển khai chính sách, doanh nghiệp cũng cần làm tốt thì sẽ khơi thông được dòng vốn.
Ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HDBank - nêu tham luận. Theo ông, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng không chỉ là mong mỏi của doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm và nỗ lực của ngân hàng thương mại.
"Chúng tôi nghĩ ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp với ngân hàng sẽ đến với nhau như một người bạn. Doanh nghiệp với ngân hàng hãy nói rõ với nhau hơn, hãy hiểu về nhau hơn", ông Phương bày tỏ.
Ông nói thêm, trong những gói cho vay hiện tại có thể sẽ không chỉ là cái hợp đồng mua bán, không để tăng trưởng mà nhiều khi cho vay là để doanh nghiệp đáp ứng thanh khoản, để thanh toán cho một bên thứ ba. Điều này không quan trọng nếu chúng tôi thấy sẽ có nguồn tiền trả lại cho gói tín dụng đó.
"Tóm lại, các thanh khoản của tín dụng, nguồn tiền của chúng ta có thể không tăng trưởng nhưng chúng ta vẫn phải tồn tại cùng nhau, hỗ trợ cùng nhau ở thời điểm này", ông nêu.
Đại diện Agribank, ông Nguyễn Văn Bách - Trưởng ban Chính sách tín dụng - cho rằng ngân hàng huy động về là để cho vay chứ không để đó. Ví dụ các doanh nghiệp không bán được hàng có thể không nhận đầu vào nhưng với ngân hàng thương mại không giải ngân ra được nhưng khách hàng đến gửi tiền vẫn phải nhận.
Ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Tăng trưởng tín dụng hạn chế nhưng nguồn đầu vào vẫn phải nhận không thể từ chối được.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - trực tiếp chia sẻ số điện thoại cá nhân để nhận những phản ánh trong câu chuyện tiếp cận tín dụng từ phía người đi vay, ngân hàng.
"Vướng về mặt cơ chế chính sách Ngân hàng Nhà nước TPHCM sẽ tiếp thu. Vướng về mặt nhân sự, Ngân hàng Nhà nước sẽ trực tiếp xử lý thông qua hotline, email nhận phản ánh", ông nói.
Nếu đó là khó khăn, vướng mắc thuộc doanh nghiệp, doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn mà cho vay ra thì bản thân cán bộ tín dụng đã sai. Điều này ảnh hưởng tới sức khỏe tín dụng ngân hàng dẫn đến hệ quả xử lý nợ xấu khó khăn mà như chuyên gia ví von là "cục máu đông" trong nền kinh tế.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, khó vay vốn ngân hàng thì phải lượng hóa việc khó khăn đó ở đâu. Vướng ở doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải chia sẻ, phải sử dụng nguồn vốn hiệu quả, vay thì phải có trách nhiệm hoàn trả.
Tại sự kiện, ông Trần Hoài Phương mách doanh nghiệp 3 "tips" cần tránh để không rơi vào khó khăn. Đầu tiên là không nên mất cân đối tài chính, vốn ròng phải lớn hơn 0, không lấy vốn ngắn hạn để sống trong dài hạn. Tiếp đó là không nên để nợ quá hạn. Thứ ba là vòng quay vốn không dài.
Theo ông Nguyễn Văn Bách - Trưởng ban Chính sách tín dụng Agribank, ngân hàng phải có khách hàng. Vì thế, Agribank cũng có nhiều chương trình đang thực hiện để thúc đẩy tín dụng, khơi thông nền kinh tế không chỉ địa phương mà còn cả nước.
Nhận định về bối cảnh đặc thù của tín dụng, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng tín dụng tăng 9 tháng vừa rồi là bình thường, đúng chu kỳ. Chỉ có điều chúng ta tính đến điều xấu nhất để đưa ra giải pháp tốt nhất. GDP chỉ tăng 4,7% thì phải tính lại tăng trưởng tín dụng, để hai bên không kêu nhau.
Khả năng cao để hấp thụ của nền kinh tế thì 11-12% là phù hợp, không nên nhắc đến 14-15% nữa. Cân bằng rủi ro ngân hàng chấp nhận được, khẩu vị của doanh nghiệp.
Về câu hỏi khi nào lãi suất mới được như nhiều người kỳ vọng dù hiện đã thấp hơn các tháng trước 2-3%, ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp HDBank - cho biết sẽ tạo dòng tiền cho doanh nghiệp.
Các ngân hàng phải bỏ công sức nhiều hơn để tìm doanh nghiệp tốt trong giai đoạn hiện tại. Tại ngân hàng ông đang làm việc có chương trình tốt cho khách hàng, thấp hơn cả so với lãi suất huy động. Những nhà cung ứng cho doanh nghiệp mua hàng có sức khỏe tốt sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi.
"Đối thoại và Giải pháp" là chuỗi tọa đàm lĩnh vực kinh tế do báo Dân trí tổ chức. Mỗi số tọa đàm là một chủ đề khác nhau.
Trong "Đối thoại và Giải pháp", các diễn giả dự kiến là nhà làm chính sách, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia, thành tố lĩnh vực kinh tế... sẽ cùng bàn luận, nêu quan điểm, góc nhìn, đồng thời đề xuất, kiến nghị, giải pháp cho những vấn đề kinh tế nóng hổi, cấp bách, được dư luận quan tâm.
Xem thêm: mth.81440326171113202-neit-ueihn-coud-ueit-gnah-nagn-ed-hcac-mit/hnaod-hnik/nv.moc.irtnad