Chỉ số đô la của Bloomberg đã giảm 1,5% trong tuần này - mức sụt giảm hàng tuần lớn nhất kể từ giữa tháng 7 – và gần như xóa sạch mức tăng từ đầu năm tới nay. Đồng đô la yếu hơn cũng hỗ trợ đồng tiền có hiệu suất tệ nhất của G10 trong năm nay là đồng yên.
Kể từ khoảng tháng 8, xu hướng tăng giá mạnh mẽ đã khiến đồng đô la tăng giá và đã đạt tốc độ tăng trưởng 4,9% trong quý III so với quý trước. ING cho biết, việc nắm giữ đồng đô la đã trở thành một giao dịch không cần phải cân nhắc quá nhiều, vì lãi suất cao của Mỹ và lợi suất trái phiếu Kho bạc tăng cao đã đóng vai trò như một thỏi nam châm thu hút dòng vốn vào.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của ING dự đoán rằng cuộc suy thoái sắp tới của Mỹ sẽ buộc Fed phải cắt giảm lãi suất 150 điểm cơ bản trong quý II/2024. Lãi suất thấp hơn sẽ không chỉ làm giảm sức hấp dẫn của đồng đô la mà còn làm giảm lợi suất trái phiếu Kho bạc ngắn hạn của Mỹ. Điều này thường có thể là một trở ngại đối với đồng bạc xanh, đồng thời giúp các loại tiền tệ khác tăng giá.
Chris Turner, Giám đốc thị trường của ING cho biết: “Vì vậy, tổng hợp tất cả lại, chúng tôi cho rằng năm 2024 sẽ là một năm mà các loại tiền tệ và phần còn lại của thế giới có thể thở phào sau khi bị thống trị bởi xu hướng đồng đô la mạnh mẽ quá lâu”.
Tuy nhiên, sự phục hồi so với đồng đô la sẽ không được dẫn dắt bởi các đồng tiền của khu vực đồng euro, vì khu vực này đang hướng tới suy thoái kinh tế. Điều này có thể khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải cắt giảm lãi suất, có thể là trước khi Fed thực hiện.
Đồng đô la hiện cũng đang hướng tới mức giảm hàng tháng lớn nhất trong một năm sau khi dữ liệu kinh tế yếu hơn dự kiến củng cố kỳ vọng rằng Fed đã hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất và đồng đô la - vốn được hưởng lợi từ lãi suất cao nhất trong nhiều thập kỷ - có thể đã đạt đến đỉnh điểm.
Tương tự, chỉ số đô la ICE đã giảm 1,6% trong tuần qua, thu hẹp mức tăng từ đầu năm xuống còn khoảng 0,6% và đang trên đà ghi nhận mức giảm hàng tháng tồi tệ nhất trong 12 năm qua.
Win Thin, người đứng đầu chiến lược tiền tệ toàn cầu tại Brown Brothers Harriman & Co. cho biết: “Đồng đô la vẫn dễ bị tổn thương cho đến khi chúng tôi nhận thấy sự thay đổi trong tâm lý và kỳ vọng của thị trường… Nhưng các thị trường đang đánh giá quá cao thời gian và mức độ cắt giảm lãi suất của Fed, sẽ cần một số dữ liệu thực tế vững chắc để thách thức câu chuyện ôn hòa hiện tại của Fed”.
Theo Jane Foley, người đứng đầu chiến lược FX tại Rabobank cho biết, Fed có thể không đồng ý với “mức cắt giảm lãi suất đã được thị trường định giá”.
Đồng đô la hiếm khi có chuỗi tăng hơn 3 năm liên tiếp |
Điều đó mở ra cơ hội cho sự phục hồi của đồng đô la Mỹ trong những tuần tới, đồng tiền này vẫn có thể kết thúc năm 2023 cao hơn và kéo dài mức tăng hàng năm bắt đầu vào năm 2021. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy bất kỳ sức mạnh nào của đồng đô la hiếm khi kéo dài quá ba năm liên tiếp.
Đối với chỉ số đô la ICE, dữ liệu từ năm 1967 cho thấy chỉ có hai lần chỉ số này có mức tăng từ 3 năm liên tiếp trở lên: lần đầu tiên là năm 1980-1984 khi đợt tăng lãi suất thời cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker dẫn đến mức kỷ lục 5 năm liên tiếp. Lần tiếp theo xảy ra vào năm 2013, khi Fed cắt giảm lãi suất và lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã giúp đồng đô la có 4 năm tăng trưởng hàng năm liên tiếp.
“Một khi lãi suất của Fed giảm, điều đó sẽ tốt cho các tài sản rủi ro và sẽ làm suy yếu đồng đô la”, chiến lược gia Jane Foley cho biết.