Rời bục giảng lớp chính quy sau giờ hành chính tại Trường THCS Bình An (TP Thủ Đức, TP.HCM), hai vợ chồng nhà giáo trẻ - thầy Nguyễn Đức Cầm và cô Hồng Nhung - hối hả rong xe gần 10km đến với lớp học tình thương của "bà ngoại Thủy" gieo chữ cho học trò nghèo bất hạnh tại trụ sở khu phố 5, phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức.
Lớp học đặc biệt này gồm những học trò mồ côi cha mẹ, có đứa mất mẹ (cha), có đứa cha mẹ đi làm xa và có đứa còn cha mẹ thì khó khăn mưu sinh với đủ nghề lượm ve chai, thợ hồ, làm mướn...
Lớp học không đủ đầy trang thiết bị, không cặp sách mới, không đồng phục, tuổi trò từ vỡ lòng cho đến bậc THCS. Thế nhưng, ở đây lại có dư tiếng cười, tiếng ê a vang vọng khắp lớp.
Bà Lệ - bà ngoại của em học sinh mồ côi, đã miệt mài hơn 7 năm đưa cháu đi học lớp tình thương, chờ đến cuối buổi học để đón cháu - chia sẻ: "Chúng tôi rất cảm ơn vợ chồng thầy Cầm không ngại cực khổ dìu dắt các em học sinh khó khăn thiếu thốn trăm bề.
Chỉ có tấm lòng nhân ái của vợ chồng thầy Cầm mới dám hy sinh cuộc sống cá nhân miệt mài dạy chữ cho từng học trò. Đến nay, đứa nào cũng ngoan ngoãn lễ phép. Không chỉ dạy chữ, vợ chồng thầy Cầm còn làm thay cha mẹ chăm sóc, dạy dỗ và hàn gắn vết thương lòng của các học trò bất hạnh".
Đời sống của hai vợ chồng nhà giáo trẻ còn nhiều khó khăn, lương giáo viên thấp nên phải chắt chiu tiết kiệm từng đồng để chi trả tiền ăn, tiền thuê nhà, nuôi con nhỏ.
May mắn nhờ có ông bà ngoại hỗ trợ chăm giúp em bé để hai vợ chồng tiếp tục việc dạy học trên trường và ở lớp tình thương.
Mấy đêm vừa rồi, vừa hết giờ học là khoảng 20 em học sinh của lớp học tình thương vội vã xếp tập sách, bàn ghế, dành những khoảng trống để tập múa, tập hát mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.