Ô nhiễm không khí khiến bệnh nặng với nhiều biến chứng nguy hiểm
Lương y Hoàng Duy Tân, nguyên phó chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai, cho biết viêm phế quản là tình trạng viêm hoặc tắc nghẽn trong các ống phế quản. Các ống phế quản kết nối cổ họng, khí quản đến phổi, phế nang.
Phế nang là túi khí trong phổi, nơi không khí được trao đổi giữa cơ thể và máu, phổi, môi trường. Oxy và các loại khí khác được hít vào và carbon được thở ra. Chất nhầy gây kích ứng và nhiễm trùng phế quản.
Viêm phế quản thường là kết quả sau khi bị nhiễm vi rút, vi rút gây cảm lạnh thường gây viêm phế quản cấp tính. Ngoài ra, viêm phế quản còn được hình thành và phát triển do nhiễm trùng từ việc hít phải khói thuốc lá, và thậm chí cả từ việc tiếp xúc với chất kích ứng trong gia đình và các chất gây ô nhiễm đường phố.
Viêm phế quản có 2 loại là viêm phế quản cấp và viêm phế quản mạn. Viêm phế quản cấp thường xảy ra ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi, nhất là về mùa lạnh hoặc khi thay đổi thời tiết.
Viêm phế quản mạn thường do phế quản viêm cấp điều trị không hết hoặc dây dưa lâu ngày chuyển sang thành phế quản viêm mạn. Tuổi từ 50 trở lên dễ bị bệnh. Tỉ lệ mắc bệnh từ 14,2 - 18%. Bệnh kéo dài lâu ngày không điều trị đúng hoặc không khỏi có thể phát triển thành chứng phế khí thủng, tâm phế mạn. Nếu nặng lên sẽ thành chứng suy tim, suy hô hấp.
Với sự ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng thì tỉ lệ người mắc bệnh viêm phế quản cũng ngày càng tăng cao. Hiện nay nó đã trở thành một trong bảy loại bệnh nặng nhất ở người trưởng thành.
Chỉ căn cứ vào hiện tượng ho dữ dội, rất nhiều người cho rằng bệnh viêm phế quản không phải do bản thân gây nên. Nhưng dựa trên những tiếp xúc ban đầu với các triệu chứng: cảm cúm thường xuyên, ho có đờm... thì những triệu chứng này đã là dấu hiệu của bệnh viêm phế quản mạn tính.
Viêm phế quản là do hít quá nhiều không khí ô nhiễm, phế quản dần mất đi khả năng thải các chất bụi bẩn. Nếu tình trạng này xảy ra liên tục thì sẽ dần trở thành bệnh và vô tình chuyển thành bệnh mạn tính. Khi đến tuổi trung niên, muốn trị bệnh này thì kết quả cũng không mấy khả quan.
Liệu pháp tự nhiên, liệu có khỏi?
Theo lương y Hoàng Duy Tân, người bị viêm phế quản vốn rất yếu, ngay cả khi còn trẻ, nhưng do công việc bận rộn, áp lực nặng nề, ngày càng ho dữ dội; những người như vậy, nếu không sớm trị bệnh viêm phế quản thì rất dễ trở thành bệnh mạn tính, dẫn tới nhiều loại bệnh tật như hen suyễn, sưng phổi, giãn phế quản...
Cũng có người khi đang ho dữ dội chỉ muốn uống thuốc để giảm cơn ho. Nhưng bệnh ho và có đờm vốn nhằm bảo vệ phản ứng hồi phục của cơ thể sau khi thải ra các dị vật, hoặc các chất bài tiết đưa vào đường hô hấp trước đó.
Miễn cưỡng uống thuốc đôi khi sẽ phản tác dụng. Chỉ cần cai thuốc lá, rèn luyện sức miễn dịch cho cơ thể, trị liệu lâu dài bằng liệu pháp xoa khu phản xạ khả năng sẽ hiệu quả hơn.
- Cách xoa bóp khu phản xạ khí quản: trước hết cần kích thích mạnh khu phản xạ hệ tiêu hóa (phối) trên bàn tay. Sau đó, xoa ấn kỹ khu phản xạ đầu, cổ và thận. Nếu có thời gian, có thể xoa bóp các ngón trên hai bàn tay thì càng tốt (xem hình).
- Thảo dược trị viêm phế quản
Tỏi: Là một phương thuốc tuyệt vời cho người viêm phế quản. Nó kháng vi rút, đờm, và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến phổi. Tỏi là một kháng sinh tự nhiên, chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa. Người bị viêm phế quản hãy cắt một nhánh (tép) tỏi và nuốt, thực hiện 3 lần mỗi ngày.
Mật ong, gừng: Lấy một nửa muỗng cà phê mật ong trộn với một lượng nhỏ hạt tiêu xay, 1-2 tép tỏi và gừng tươi (đã được xay nhuyễn), ăn. Điều này giúp làm giảm cảm giác nóng rát trong ngực, mở ống bị chặn giữa cổ họng và phổi, người bệnh dễ thở hơn.
Hành tây: Nước ép hành tây tươi trị viêm và đau ngực ở người viêm phế quản. Với một nửa thìa nước ép hành tây, chắc chắn người bệnh sẽ tìm thấy cảm giác thoải mái. Thực hiện: Cắt một củ hành tây vào tô, sau đó phủ mật ong lên. Để qua đêm, sau đó loại bỏ hành tây và lấy 1 thìa cà phê mật ong uống, uống 4 lần một ngày.
Ngoài ra, hành tây còn là một loại thuốc long đờm, giúp chất nhầy được lưu thông. Có thể dùng hành tây là nguyên liệu, nấu chín, nướng, xúp và món hầm, là gia vị...
Trà xanh: Giúp làm giảm các kích thích phế quản, ho và đau do viêm phế quản cấp, cho những người cần được long đờm. Uống trà 3-4 lần/ngày được coi là một cách khắc phục hậu quả bệnh viêm phế quản.
Lấy 1 muỗng cà phê vỏ chanh cho vào 1 chén nước sôi, ngâm trong 5 phút. Đối với người đau họng mà do ho, cho 1 muỗng cà phê nước cốt chanh vào 1 chén nước ấm và súc miệng. Điều này giúp loại bỏ các vi khuẩn và chất nhầy.
Các bài thuốc có thể trị viêm phế quản
- Bài 1: Tía tô, bách bộ, mỗi vị 12g; húng chanh, sả, mỗi vị 10g; gừng, trần bì, mỗi vị 8g; bạch chỉ 6g. Sắc uống ngày một thang.
- Bài 2: Cam thảo 8g, cát cánh 4g. Sắc uống ngày một thang.
- Bài 3: Cát cánh, kinh giới, bách bộ, mỗi vị 200g; trần bì 100g; cam thảo 60g, các vị tán nhỏ, trộn đều, mỗi lần uống 1-3g, ngày 3 lần vào sau hai bữa ăn và trước khi đi ngủ.
- Bài 4: Vỏ trắng rễ dâu, bách bộ (bỏ lõi sao vàng), mạch môn, mỗi vị 10g; vỏ quýt, xạ can, cam thảo dây, mỗi vị 5g. Làm dạng thuốc phiến, mỗi phiến 3g, ngày ngậm 4-5 lần, mỗi lần 1 phiến.
- Bài 5: Vỏ rễ dâu, mạch môn, rau má, bách bộ, mỗi vị 10g; trần bì, bán hạ chế, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.
- Bài 6: Mạch môn, huyền sâm, thiên môn, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần.
TTO - Trên nền bệnh viêm phế quản mạn tính, viêm phổi hậu COVID-19, cụ ông 83 tuổi lại nuốt phải dị vật có kích thước khá lớn. Dị vật nằm tại phế quản trong thời gian dài, gây viêm, áp xe, nguy cơ chảy máu lớn, suy hô hấp.