Nam giới tự đề ra rất nhiều tiêu chí
Đây là chia sẻ của bà Khuất Thu Hồng, Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), tại diễn đàn kết nối nam giới vì bình đẳng giới và phát triển bền vững. Sự kiện được tổ chức đúng Ngày Quốc tế nam giới 19-11.
Theo bà Hồng, Việt Nam mặc dù là đất nước đi chậm hơn trong quá trình thúc đẩy bình đẳng giới nhưng đã đạt được nhiều thay đổi tích cực trong thời gian qua. Nhiều đàn ông tại Việt Nam đang có thay đổi tích cực, nam giới trẻ tuổi chia sẻ công việc gia đình, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn với phụ nữ.
Bà Hồng cho hay hiện Viện ISDS đang thực hiện một nghiên cứu từ năm 2019 để có thể ra một cuốn sách về nam giới Việt Nam.
"Trong nghiên cứu chúng tôi phát hiện những điều rất thú vị, chẳng hạn như nghiên cứu chúng tôi phát hiện khái niệm đàn ông đích thực rất được xã hội quan tâm. Chúng tôi đã khảo sát hơn 2.000 nam giới ở mọi vùng miền với câu hỏi: Người đàn ông đích thực là gì?
Rất nhiều nam giới trả lời rằng người đàn ông đích thực ở Việt Nam là người phải có sự nghiệp, phải phấn đấu có vị trí ở cơ quan nhà nước, là người lãnh đạo, là người đàn ông có tay nghề cao, làm chủ công nghệ số,...
Về mặt thể chất thì người đàn ông đích thực phải là người khỏe mạnh, có năng lực tình dục mạnh mẽ, chủ động trong quan hệ với phụ nữ, sẵn sàng sử dụng sức mạnh để bảo vệ danh dự của mình.
Người đàn ông đích thực cũng phải là người đàn ông của gia đình, trụ cột gia đình, kiếm được tiền, nuôi sống gia đình của mình", bà Hồng chia sẻ.
Theo bà Hồng, những phẩm chất được nam giới nêu ra trong khảo sát cho thấy nam giới còn đang rất đặt nặng tâm lý về giới.
Bên cạnh đó, rất nhiều những tiêu chuẩn của người đàn ông đích thực này lại có tác động tiêu cực đến nam giới.
Có mối quan hệ giữa đàn ông đích thực và hành vi bạo lực
Theo đó, có mối quan hệ rất rõ ràng đối với nam giới đề cao tiêu chí về đàn ông đích thực thì thường có hành vi bạo lực với vợ, người thân của mình.
"Chính những tiêu chuẩn này khiến nam giới gặp áp lực cá nhân rất lớn. Bởi luôn luôn phải chứng tỏ mình là người đàn ông mạnh mẽ, kiếm được nhiều tiền", bà Hồng nói.
Đồng tình với bà Hồng, ông Đặng Hoa Nam - cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cũng cho rằng đã đến lúc nam giới cần phải thay đổi quan niệm về tiêu chuẩn và phải thay đổi bắt đầu từ trẻ em.
"Thực tế chúng ta đã tuyên truyền rất tốt về phụ nữ và quyền của nữ giới trong bình đẳng giới. Thế nhưng, bình đẳng giới cần sự bình đẳng chung chứ không chỉ là một giới nhất định.
Tôi đã từng tham gia diễn đàn về bình đẳng giới, thế nhưng 100% trẻ em gái tham gia, không có trẻ em trai được mời đến sự kiện. Hay những số liệu liên quan đến quyền trẻ em hầu hết là số liệu của trẻ em gái mà không có nghiên cứu nào dành cho trẻ em trai.
Để thúc đẩy bình đẳng giới chúng ta cần quan tâm bình đẳng ở cả hai giới và cần bắt đầu nhận thức từ trẻ em", ông Nam khẳng định.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Matt Jackson, trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, cho rằng nam giới cần tham gia nhiều hơn với tư cách là những nhà vận động bình đẳng giới trong cuộc sống của chính họ.
Đồng thời, nam giới cần lên tiếng với tư cách là những tác nhân thay đổi chuẩn mực và hành vi gia trưởng; loại bỏ các định kiến giới dẫn đến sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng đối với phụ nữ, trẻ em và những người ở các bản dạng giới khác, gồm người khuyết tật, nhóm LGBTQI+ và người dân tộc thiểu số.
Ngày 10-11, lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 diễn ra tại Hà Nội.