Nếu có một khoản tiền tích lũy nhàn rỗi, nhiều người sẽ lựa chọn gửi tiết kiệm, đầu tư chứng khoán, đầu tư bất động sản hay mua vàng. Nhưng có lẽ để tìm 1 người/1 đơn vị có thể đủ hiểu biết và tư vấn hiệu quả trên đa lĩnh vực là không đơn giản. Ngoài đầu tư còn đó những nhu cầu như tích lũy, bảo vệ tài chính cá nhân. Thị trường quản lý tài sản của Việt Nam tiềm năng nhưng nguồn lực nhân sự đáp ứng nhu cầu xã hội đang là mảnh ghép còn thiếu.
Theo báo cáo từ Allied Market Research, thị trường quản lý tài sản tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 31,6% ở giai đoạn 2021 - 2030, nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngành quỹ gần đây cũng đã có nhiều nỗ lực phát triển đáp ứng nhu cầu thị trường.
Cuối năm 2020, Việt Nam mới có 57 quỹ đầu tư, hiện nay con số này đã tăng gần gấp đôi lên 105 quỹ. Dù vậy đây vẫn là những con số khiêm tốn hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Cụ thể theo số liệu, tỷ lệ đầu tư qua quỹ tại Thái Lan hay Malaysia đã là xấp xỉ 30% GDP hay ở Thái Lan hiện có khoảng 1.700 quỹ đầu tư.
Ông Gauraw Srivastava - Giám đốc Trung tâm Phân khúc Mass Affluent, Affluent và Sản phẩm đầu tư VPBank.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, tổng tài sản quản lý quỹ tính đến cuối năm 2022 mới đạt 23,25 tỷ USD - một con số khiêm tốn tương đương 2,44% GDP. Thị trường quỹ Việt Nam mới ở giai đoạn sơ khai. Các sản phẩm chủ yếu tập trung vào thị trường vốn (đặc biệt là thị trường cổ phiếu) và mới phục vụ một nhóm khách hàng nhỏ.
Theo thống kê, dù nhiều quỹ đầu tư đã nỗ lực hơn trong hoạt động và đưa mức hiệu suất đầu tư lên khá cao (20%) nhưng đấy là quỹ cổ phiếu tức là dành cho những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao, còn không phải ai cũng có khẩu vị rủi ro cao, với những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp thì những quỹ như trái phiếu đem lại cho họ có 7 - 8%/năm. Rõ ràng trong bối cảnh tiết kiệm xuống thấp kỷ lục, đây vẫn là một con số chưa thực sự hấp dẫn. Thị trường quản lý tài sản còn non trẻ tại Việt Nam đang cần thêm nhiều lực đẩy.
Việt Nam được xem là một trong các nước có lượng người thuộc tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh. Đây là tiềm năng để dịch vụ quản lý tài sản có thể phát triển. Nhưng các nhân sự, tổ chức trong ngành cũng cần liên tục nâng cao kiến thức, sản phẩm và chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, vẫn cần những hỗ trợ từ các chính sách, hành lang pháp lý đảm bảo hài hòa quyền lợi của cả nhà đầu tư và bên cung cấp dịch vụ, để dịch vụ này thực sự là nơi người dân có thể chọn mặt gửi vàng.
Mục Tiêu điểm của chương trình Dòng chảy Tài chính tuần này với nội dung "Phát triển thị trường quản lý tài sản" có sự tham gia của ông Gauraw Srivastava - Giám đốc Trung tâm Phân khúc Mass Affluent, Affluent và Sản phẩm đầu tư VPBank đã có những phân tích chi tiết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!