Ngôi nhà chắp vá che nắng mưa
Đoạn đường dài ở phường Bình Chiểu (TP Thủ Đức, TP.HCM) dẫn vào căn nhà nhỏ che nắng mưa cho gia đình Kha lúc nắng thì bụi, lúc mưa thì lầy. Mái tôn dột lỗ chỗ, nóng hầm mùa nắng và không biết bao lần Kha phải đi nhặt lại mái tôn mỗi mùa mưa tới.
Khi Kha 8 tuổi, cha mẹ chia tay, Kha dọn về đây rồi xem đó là mái ấm. Gọi là nhà nhưng gần như toàn bộ các mảng tường được chắp vá, nhiều phần là đồ người ta bỏ đi được ông Nguyễn Văn Hiền (32 tuổi, cậu ruột của Kha) gom về sửa lại.
Bà Nguyễn Thị Chàng (65 tuổi, bà ngoại của Kha) kể từ trước nay gia đình đều rất khó khăn. Thuở còn sống, ông ngoại Kha làm nghề chạy xe ôm. Bà khi đó còn khỏe cũng bươn chải khắp nơi với đủ nghề. Nhưng nay tuổi già, sức yếu nên bà chỉ ở nhà, khấn trời cho sức khỏe, không đau ốm đã là phước lành.
Mẹ của Kha, bà Nguyễn Thị Kim Quế (40 tuổi) vốn mắc bệnh hở van tim bẩm sinh, sức khỏe ngày một yếu hơn.
Một thời gian dài bà Quế sống với nghề phụ hồ. Nhưng vì công việc nặng nhọc, dầm mưa dãi nắng mà người sẵn bệnh nên bà chẳng trụ được lâu.
Hết cách, bà gửi Kha lại cho ngoại, chuyển về TP Cần Thơ làm công việc coi kho với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Việc phải xa con khiến bà không đành lòng, nhưng bà không còn cách nào khác.
Vụ tai nạn giao thông trên đường đi làm về nhiều năm trước khiến phần đầu ông Hiền bị ảnh hưởng khá nặng. Nhiều lần trái gió trở trời, ông ôm khư khư đầu vì đau. Nhưng vì xem Kha như con, lại thương chị gái chật vật một mình nuôi con nên ông Hiền cũng nén cơn đau đi làm phụ hồ. Tuy nhiên phần vì sức khỏe, phần hiện nay ít việc nên thu nhập từ nghề cũng chẳng đáng là bao.
Bao lần thầm hiểu sự khó khăn mà mẹ, cậu và ngoại đang đối diện, Kha tính nghỉ học. Nhưng nếu cậu nghỉ học thì có lẽ cả gia đình sẽ mãi sống cảnh chật vật mà thôi. Do đó Kha lại nuôi chí đi học. Tan trường, Kha đến các quán nhậu, nhà hàng làm thêm để san sẻ gánh nặng tài chính cho mẹ, để mẹ có thể dành tiền lo cho em gái Lê Thị Anh Thư (11 tuổi) nhiều hơn.
Học trái ước mơ vì không đủ tiền
18 tuổi, Kha ấp ủ đam mê với ngành dược, thế nhưng, Kha đành gác lại ước mơ dược sĩ, chọn học ngành cảnh quan kỹ thuật hoa viên (Trường đại học Nông Lâm TP.HCM).
So với số tiền hơn 50 triệu/năm của ngành dược, khoản học phí hơn 12 triệu/năm của ngành cảnh quan kỹ thuật hoa viên có lẽ phù hợp hơn với hoàn cảnh hiện nay của gia đình Kha.
Hơn nữa nếu học dược, Kha lo rằng mình không đủ chuyên tâm vào việc học vì vẫn còn nỗi lo canh cánh phải đi làm thêm.
"Thật ra, mẹ từng bảo mình cứ học đi, tiền học phí mẹ lo nhưng mình biết mẹ lo không nổi nên chọn học ngành này vì học phí đỡ áp lực cho mẹ", Kha bộc bạch.
Có lẽ vì lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn nên trông Kha chững chạc hẳn. Ngoài làm thêm, Kha gần như biết làm mọi việc trong nhà. Từ giặt giũ, lau dọn nhà cửa, Kha nấu ăn cũng rất ngon.
Thương con, bà Quế từng nhiều lần nói Kha thôi đi làm thêm. Nhưng mẹ càng khuyên can thì cậu càng quyết tâm phải đi làm. Đổi lại, Kha chứng minh cho mẹ biết cậu đủ sức để vừa làm thêm nhưng vẫn học giỏi (luôn đạt khá giỏi suốt 12 năm liền - PV).
Mỗi tháng làm thêm được 3 triệu đồng, Kha dành dụm, tích góp, tự đóng tiền học phí trong suốt những năm học phổ thông và kỳ đầu đại học. Thời gian qua Kha và mẹ cứ bệnh liên miên, khoản tiền dành dụm trước đó cũng đội nón lũ lượt đi sạch.
Dẫu đã bắt đầu với các môn học của ngành cảnh quan kỹ thuật hoa viên nhưng giấc mơ theo học ngành dược của Kha vẫn âm ỉ cháy lên trong cậu. Kha nói khi đủ điều kiện, cậu muốn sẽ học ngành dược.
Nói về cậu học trò cũ, thầy Nguyễn Thành Ba - giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Kha ở Trường THPT Bình Chiểu (TP Thủ Đức) - cho biết Minh Kha là một người ít nói, điềm tĩnh và tự lập.
"Tôi thương, ấn tượng cậu học trò này bởi sự chịu khó, không dễ để một bạn học sinh có thể vừa đi làm nhưng vẫn đạt học lực khá giỏi như Kha", thầy Ba nói.
Cha phát hiện bị lao, mẹ vừa bị lao vừa bị tan máu bẩm sinh nằm một chỗ. Ngoài giờ học và chăm cha mẹ, cậu học trò ấy phải tranh thủ ngược xuôi làm thêm đủ việc để có tiền trang trải.