Thê thảm vì lãi vay
Trong quý III năm nay, nhiều doanh nghiệp đầu ngành cho thấy bức tranh tài chính u ám với những khoản lỗ lớn.
Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời là một trong những doanh nghiệp niêm yết lớn nhất ngành lúa gạo. Thời gian qua, giá gạo tăng mạnh nên giới đầu tư kỳ vọng Lộc Trời sẽ có bước tiến vượt bậc.
Doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu tăng mạnh nhưng lại bất ngờ thua lỗ. Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 của doanh nghiệp này có doanh thu tăng 1.702 tỷ đồng, tương đương 59,7% so với cùng kỳ, lên 4.551 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng tăng từ 8.815 tỷ đồng lên 10.440 tỷ đồng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp thua lỗ 327 tỷ đồng trong quý III. Còn lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế giảm sâu từ 203 tỷ đồng xuống chỉ còn 17,3 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 91,5%.
Bên cạnh giá vốn tăng mạnh, chi phí tài chính (đặc biệt là chi phí lãi vay) rất cao đã khiến công ty thua lỗ. Trong kỳ, chi phí lãi vay tăng 98 tỷ đồng, tương đương 148% lên 164 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng tăng từ 158 tỷ đồng lên 438 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng gánh thua lỗ. Trong 9 tháng đầu năm, công ty lỗ 110 tỷ đồng dù cùng kỳ năm trước lãi tới 571 tỷ đồng.
Bên cạnh doanh thu giảm sâu từ 13.911 tỷ đồng xuống 7.597 tỷ đồng, chi phí lãi vay cao cũng khiến Minh Phú thua lỗ. Trong 9 tháng đầu năm nay, chi phí lãi vay tăng từ 53 tỷ đồng lên 103 tỷ đồng.
Đây chỉ là 2 ví dụ điển hình việc doanh nghiệp đầu ngành nhưng thua lỗ vì lãi vay quá cao. Trên thị trường, có nhiều đơn vị trong nhiều ngành khác nhau cũng đang gặp khó khăn như Lộc Trời và Minh Phú.
Nguyên nhân dễ giải thích nhất cho chi phí lãi vay cao là các khoản nợ vay cao, lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, dòng tiền liên quan đến chi phí lãi của những tập đoàn lớn có cả hệ thống công ty liên kết còn bị tác động bởi "trần" chi phí lãi vay 30% với giao dịch liên kết.
Mòn mỏi chờ bỏ trần chi phí lãi vay 30%
Cuối năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 132 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Điểm quan trọng nhất của Nghị định là "trần" chi phí vay 30% với giao dịch liên kết.
Cụ thể, Nghị định quy định "tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế".
Quy định này nhằm hạn chế tình trạng chuyển giá thông qua lãi vay của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Tuy nhiên, kể từ khi có hiệu lực (năm 2020), quy định đã cho thấy nhiều bất cập, gia tăng chi phí, bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn sau dịch Covid-19.
Chính vì vậy, tại điểm đ mục 4 Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, Chính phủ giao: "Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi Nghị định số 132, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất liên quan đến quy định quản lý thuế đối với giao dịch có liên kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2023".
Việc sửa đổi Nghị định 132 được đánh giá là nhiệm vụ vô cùng cấp bách, có ý nghĩa sống còn với hàng nghìn doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cho tới cuối tháng 10, đầu tháng 11, khi quý IV/2023 đi được gần nửa chặng đường, nhiều doanh nghiệp lo lắng khi Bộ Tài chính chưa có đề xuất sửa đổi Nghị định 132.
Các hiệp hội hối thúc
Ngày 31/10, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có Công văn số 89 về việc tổng hợp tình hình sản xuất - xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm 2023 và các vướng mắc, khó khăn hiện tại về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thủy sản.
Một trong những kiến nghị nổi bật của VASEP là bất cập của quy định liên quan áp trần chi phí lãi vay.
Hiệp hội này đánh giá việc quy định giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, từ đó áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp trong các năm đầu khi mới đầu tư.
VASEP kiến nghị sửa đổi lại điểm đ khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132 để hủy bỏ quy định coi giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, giúp doanh nghiệp không phải bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Sửa đổi lại quy định các đối tượng không thuộc phạm vi áp trần chi phí lãi vay tại điểm c, khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132 như tổ chức tín dụng, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán… để các doanh nghiệp sản xuất không phải chịu áp mức trần của tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Sau đó, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng cần sửa đổi Nghị định 132 theo hướng bỏ trần 30% vì cho rằng điều này không hợp tình, hợp lý và đã làm cho bức tranh hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không được phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời.
Hiệp hội này cũng chỉ ra 4 lý do khiến việc khống chế trần tổng chi phí lãi vay trở nên bất cập.
Thứ nhất, chi phí lãi vay phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là chi phí hợp pháp được quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Đầu tư 2020, hoặc khoản 1 Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng 2010, hoặc điểm a khoản 2 Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
Thứ hai, chi phí lãi vay là chi phí hợp pháp, cần phải được Nhà nước công nhận và cần phải được tính vào tổng chi phí hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong năm tài chính (trong kỳ) của doanh nghiệp.
Thứ ba, theo HoREA, chỉ có một thiểu số doanh nghiệp trong nước, bao gồm doanh nghiệp trong nước có hoạt động liên kết có thể có hoạt động chuyển giá, kê khống giá làm tăng chi phí "ảo" để trốn thuế, nhất là đối với một số tập đoàn đa quốc gia có hoạt động liên kết có thể đã có hiện tượng hoạt động chuyển giá cần được quan tâm kiểm soát.
Thứ tư, thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ có thể gây thiệt thòi cho các doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo lỡ kinh doanh bị hòa vốn hoặc bị thua lỗ.
Kể cả trường hợp có lãi nhưng doanh nghiệp chẳng may rơi vào trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo không thấp hơn mức quy định, coi như toàn bộ phần chi phí lãi vay không được trừ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo bị mất trắng.
"Không nên và không cần thiết khống chế trần 30%, quy định này chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp nước ngoài có giao dịch liên kết và chưa áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; đồng thời, không áp dụng đối với doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết", HoREA đề xuất.
Mới đây, Phó cục trưởng Cục Thanh tra - Kiểm tra (Tổng cục Thuế) Tô Kim Phượng cũng cho biết Tổng cục Thuế đã tổng hợp vướng mắc và đề xuất sửa quy định về giao dịch liên kết.