Phiên điều chỉnh của thị trường chung trong ngày thứ 6 tuy đột ngột và mạnh nhưng không quá bất ngờ đối thị trường, đồng thời xác nhận đỉnh ngắn hạn sau 3 tuần liên tiếp tăng điểm, hoàn thành nhịp hồi phục đầu tiên sau giai đoạn giảm. Tuy vậy, đây có phải là tín hiệu cho một đợt điều chỉnh mới không thì đang là ẩn số. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về xu hướng tuần tới?
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, CTCK VietCap
Sau 3 phiên giao dịch tăng điểm liên tiếp, chỉ số VN-Index giảm 24,3 điểm đạt 1.101,2 điểm (-2,2%) trong phiên hôm thứ Sáu. Nhiều cổ phiếu bluechip giảm mạnh trong phiên ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Thanh khoản tăng mạnh đạt 1,0 tỷ USD.
Quan điểm kỹ thuật: Dự báo phiên tới, VN-Index có thể tiếp tục giằng co trong biên độ 1.100-1.110 điểm để kiểm định lại đường MA10 và MA200 vừa đánh mất. Với sự chuyển biến của các tín hiệu theo chiều hướng xấu, nhiều khả năng chỉ số sẽ tiếp tục giảm để kiểm định hỗ trợ tiếp theo là đường MA20 ngày tại vùng 1.080-1.085 điểm.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Như tôi đã nhận định, thị trường khó có thể kỳ vọng sự đảo chiều dạng chữ V mà cần thời gian tích lũy. Vì vậy, dù tín hiệu phiên cuối tuần là khá xấu, nhưng vẫn nằm trong kịch bản tích lũy trên 1.100 điểm nên vẫn chưa thực sự quá đáng lo ngại.
Trạng thái giằng co tích lũy đã xảy ra và thị trường sẽ cần thêm thời gian để hoàn thiện giai đoạn này. Mốc 1.100 điểm có thể thủng trong tuần tới nhưng nếu xảy ra sẽ cần phải lấy lại nhanh chóng để khẳng định niềm tin. Ngược lại, nếu đi xa qua mốc này, rủi ro ngắn hạn sẽ quay trở lại.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Phiên giảm cuối tuần qua là một sự kết hợp giữa pha điều chỉnh kỹ thuật sau khi thị trường đã hồi phục 100 điểm và đồng thời với tin đồn nhạy cảm trên thị trường. Có lẽ nhờ cả hai yếu tố cùng đến một lúc nên thị trường điều chỉnh mạnh và sâu hơn so với dự kiến. Các tin đồn có thể lắng dịu trong tuần sau và có thể tạo một hiệu ứng bù đắp tăng trở lại cho phiên giảm vừa rồi. Các nhịp rung lắc nếu xảy ra cũng sẽ không quá đáng kể để làm thay đổi xu hướng đang phục hồi của thị trường.
Ông Nguyễn Hồng Khanh |
Ở khía cạnh tích cực, những thông tin về việc Ngân hàng nhà nước dừng phát hành tín phiếu qua kênh thị trường mở (OMO) có nghĩa là bơm tiền dần trở lại thị trường khi các tín phiếu kỳ hạn ngắn đã phát hành trước đó liên tục đáo hạn. Lãi suất huy động cũng đã giảm về mức thấp kỷ lục trong lịch sử được kỳ vọng sẽ kích thích dòng tiền chảy mạnh hơn vào chứng khoán. Nhưng thực tế thanh khoản trên thị trường mới chỉ tăng ở một số phiên đặc biệt, còn lại phần khá thận trọng. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về xu hướng hướng dịch chuyển các dòng tiền khác vào kênh chứng khoán, trong giai đoạn từ nay đến cuối năm?
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, CTCK VietCap
Dòng tiền đầu tư vào chứng khoán ngoài tiền vay từ hệ thống ngân hàng, dòng tiền từ tiết kiệm kỳ vọng lãi suất huy động thấp sẽ đổ vào chứng khoán nhưng hiện nay nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi cũng còn thận trọng, chưa mạnh dạn tham gia thị trường.
Ngoài ra, thị trường còn có dòng vốn nước ngoài. Tuy nhiên, hiện việc huy động các quỹ mới còn chậm, trong tuần vừa qua nước ngoài cũng đang bán ròng. Kỳ vọng từ nay đến cuối năm, với tình hình vĩ mô ổn định cũng như không có các kênh đầu tư khác thì các dòng vốn sẽ đổ về TTCK để tìm kiếm lợi nhuận .
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Đúng là nguồn lực dòng tiền có thể sẵn sàng đổ vào TTCK hiện đang rất lớn, tuy vậy diễn biến TTCK những tháng gần đây liên tục xuất hiện các nhịp giảm tiêu cực khiến giới đầu tư có sự thận trọng rất rõ ràng, tâm lý này cản trở sự dịch chuyển của dòng tiền vào TTCK.
Nếu xu thế thị trường được cải thiện tích cực hơn, rủi ro giảm bớt thì chắc chắn kênh chứng khoán sẽ lại nhanh chóng đón nhận một nguồn tiền rất lớn khi mà nhìn rộng ra, các kênh đầu tư khác chưa thực sự hấp dẫn.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Chứng khoán là kênh hút tiền khá nhanh nếu các yếu tố thị trường hỗ trợ. Nhịp hồi vừa qua chỉ mới kéo dài khoảng 3 tuần vì vậy cần một thời gian lâu hơn để kích thích dòng tiền quay trở lại. Khi lãi suất hạ kéo dài cũng sẽ kích thích một phần dòng tiền đổ vào thị trường nhiều hơn tìm kiếm cơ hội. Do các kênh đầu tư khác chưa hấp dẫn vì vậy kênh chứng khoán dựa trên nền thấp đang phục hồi sẽ có nhiều điều kiện thu hút dòng tiền tìm kiếm cơ hội tốt hơn.
Nhiều chỉ báo cho thấy đà phục hồi tăng trưởng của Việt Nam đang có dấu hiệu cải thiện. Liên tiếp trong 2 tháng gần đây, xuất khẩu đã ghi nhận tăng trưởng dương trở lại với tốc độ tháng sau cao hơn tháng trước. Đồng thời, các chỉ báo khác liên quan tới công nghiệp, dòng vốn FDI cũng cho thấy xu hướng cải thiện tích cực. Điều này có tạo lực đẩy cho nhóm DN xuất khẩu tiếp tục có những diễn biến tăng trưởng không, cũng như dư địa tăng đối với nhóm này còn nhiều không khi mà đã trải qua một nhịp tăng trước đó?
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Ông Dương Hoàng Linh |
Mặc dù đã có sự cải thiện, tuy nhiên nếu quan sát kỹ hơn thì có thể thấy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ nền kinh tế vẫn đang gặp nhiều thách thức. Nền kinh tế toàn cầu vẫn đang trong giai đoạn phức tạp, đơn hàng của nhóm DN xuất khẩu vẫn bị ảnh hưởng giảm (như nhóm dệt may), do vậy tôi không đánh giá cao khả năng tăng trưởng của nhóm này trong thời gian ngắn hạn sắp tới.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Các thống kê xuất khẩu tăng trưởng trở lại trước mắt là tin vui với hoạt động kinh tế chung trong nước và đặc biệt là các khối ngành, doanh nghiệp tham gia và hoạt động này. Khi các nhóm ngành xuất khẩu phục hồi sẽ phản ánh vào kết quả kinh doanh cuối năm từ đó tạo hiệu ứng thu hút dòng tiền nhà đầu tư trở lại. Miễn là hoạt động xuất khẩu ổn định trở lại qua từng quý thì nhà đầu tư sẽ tin tưởng hơn vào các nhóm ngành này và khi đó dòng tiền sẽ luân chuyển đều hơn giữa các dòng cổ phiếu chứ không lệch pha như hiện nay.
Cũng liên quan đến việc chọn lựa nhóm ngành để đầu tư, những giải pháp hỗ trợ thị trường Bất động sản và các luật liên quan có thể được bàn thảo, thông qua vào kỳ họp Quốc hội cuối năm nay, hoặc đầu năm sau cũng đang kỳ vọng là điểm sáng với thị trường nói chung và với nhóm bất động sản nói riêng. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về cơ hội đối với nhóm bất động sản ở thời điểm hiện tại?
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Một số nhận định (của chính các hiệp hội bất động sản hay doanh nghiệp bất động sản) cho rằng thị trường bất động sản đã qua thời kỳ khó khăn. Nhưng tôi cho rằng đây chỉ là những nhận định thiếu tính khách quan có động cơ riêng. Bởi theo tôi, thị trường bất động sản vẫn đang ở trong thời kỳ khó khăn khi việc bán hàng của DN (đặc biệt phân khúc cao cấp, nghỉ dưỡng...) là rất khó trong khi lại rất cần dòng tiền để xử lý dư nợ đang căng thẳng.
Các giải pháp được thông qua sẽ chỉ hỗ trợ phần nào những khó khăn chứ không phải phép màu để kỳ vọng quá nhiều. Tôi duy trì đánh giá nhóm Bất động sản không hấp dẫn trong ngắn hạn, nhiều doanh nghiệp sẽ còn phải rất nỗ lực để có thể vượt qua giai đoạn này.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Hoạt động bất động sản hiện vẫn còn khó khăn nhưng từng nút thắt đang dần được tháo gỡ và tạo điểm ra hàng tồn kho cho các doanh nghiệp. Thị trường bất động sản sẽ cần một thời gian lâu hơn để phục hồi nhưng bức tranh chung của ngành bất động sản sẽ sáng hơn từ năm sau. Dù vậy cổ phiếu trên sàn có thể phản ứng nhanh hơn và một phần nhiều cổ phiếu bất động sản vẫn đang trên nền đáy thấp vì vậy sẽ có sự hấp dẫn dòng tiền riêng.
Phần lớn các CTCK đang khuyến nghị nhà đầu tư tận dụng những nhịp điều chỉnh trong xu thế đi lên của thị trường để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, nhưng cũng nên chốt lời để giữ một phần thành quả cho nhịp hồi phục vừa qua. Với các ông/bà, đâu là chiến lược hợp lý ở giai đoạn này?
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, CTCK VietCap
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh |
Đối với nhà đầu tư ngắn hạn: thị trường rung lắc cũng là cơ hội để mua bán, mua khi thị trường rung lắc và giảm điểm, bán khi thị trường chạm 1.135-1.140 hoặc cắt lỗ khi thị trường thủng ngưỡng 1100 điểm .
Đối với nhà đầu tư dài hạn hơn: Thị trường rung lắc, giảm điểm mạnh là cơ hội để mua vào tích lũy . Chuẩn bị sẵn danh mục tốt .
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Ở thời điểm này, chỉ số đang có những biến động mạnh và kênh xu hướng chưa thực sự rõ ràng. Nhà đầu tư nên quan sát thêm, đợi những tín hiệu rõ ràng hơn về kênh xu hướng mới có thể quyết định gia tăng hay giảm tỷ trọng. Như việc có giữ được mốc 1.100 điểm của VN-Index trong tuần tới không.
Tạm thời nên duy trì tỷ trọng vừa phải và tránh mua dồn ở 1 thời điểm mà nên có sự gối đầu để sẵn sàng hạ tỷ trọng nếu xuất hiện tín hiệu tiêu cực.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Thị trường đang trong xu hướng hồi phục trên nền tăng trưởng trở lại của hoạt động kinh tế vì vậy nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận dễ dàng hơn giai đoạn trước.
Các nhà đầu tư ngắn hạn có thể lướt sóng trên từng đoạn sóng tăng ngắn của thị trường nhưng với những nhà đầu tư trung và dài hạn vẫn có thể tích lũy dần cổ phiếu mục tiêu và nắm giữ lâu hơn. Quan trọng là nhà đầu tư chọn nhóm ngành và cổ phiếu nào cho từng mục tiêu cụ thể và tuân thủ kỷ luật với phương pháp áp dụng.
Thị trường hiện tại vẫn còn trong giai đoạn rung lắc liên tục tạo nền vì vậy các giao dịch ngắn hạn có thể mang lại lợi nhuận tốt hơn cho nhà đầu tư giỏi lướt sóng.