Bản kết luận điều tra vừa được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành, cho thấy chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan dù không giữ chức vụ gì tại Ngân hàng SCB nhưng lại là người có "quyền lực tuyệt đối", dựng lên "kịch bản" tinh vi thao túng, lũng đoạn, chi phối toàn bộ nhà băng này.
Toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB bị bà Lan thao túng, lũng đoạn để huy động tiền gửi của người dân rồi cho "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát" vay, sau đó chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, lên đến hơn 304.000 tỉ đồng.
Sai phạm khủng của bà Lan trong suốt thời gian dài, dễ dàng qua mặt các cơ quan kiểm tra giám sát hoạt động ngân hàng được những người nào giúp sức, tiếp tay?
Nữ chủ tịch Vạn Thịnh Phát trả lương đến 500 triệu/ tháng cho đàn em thân tín tại SCB
Với tham vọng lập ra một ngân hàng và đứng sau thao túng, chi phối điều hành huy động tiền gửi nhằm mục đích có nguồn tiền cung cấp cho "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát", từ trước năm 2011 bà Lan đã rải người mua gom 80-98% cổ phần của ba ngân hàng.
Tháng 1-2012 ba nhà băng này được hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), vốn điều lệ ban đầu hơn 10.000 tỉ. SCB có một hội sở, 50 chi nhánh và 184 phòng giao dịch trên cả nước.
Nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan cũng bố trí người thân tín của mình giữ các chức vụ chủ chốt của ngân hàng. Các vị trí chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, lãnh đạo SCB nhiều thời kỳ đều do bà Lan tuyển chọn, sắp xếp từ các "đàn em thân tín" tại Vạn Thịnh Phát hoặc công tác lâu năm tại ngân hàng. Họ làm theo chỉ đạo của bà Lan và được trả lương 200-500 triệu đồng/tháng.
Theo kết luận, Trương Mỹ Lan cho Tạ Chiêu Trung làm tổng giám đốc Công ty Việt Vĩnh Phú là đơn vị nắm giữ 12,828% cổ phần SCB, đồng thời được "ngồi ghế" thành viên HĐQT ngân hàng này.
Ông Trung được chủ tịch Vạn Thịnh Phát giao nhiệm vụ quản lý, điều hành việc chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông đảm bảo đúng tỉ lệ phần trăm Ngân hàng Nhà nước quy định.
Bà Trương Mỹ Lan cũng bố trí những người thân tín như Nguyễn Thị Thu Sương, Đinh Văn Thành (cùng đang bỏ trốn bị truy nã), Bùi Anh Dũng làm chủ tịch SCB qua các thời kỳ.
Theo C03, riêng Bùi Anh Dũng được bà Lan sử dụng vì có quá trình nhiều năm làm việc tại SCB, trải qua nhiều vị trí và "hiền lành, không quậy phá, được lòng người" - trích kết luận điều tra.
Võ Tấn Hoàng Văn - tổng giám đốc SCB - được coi là "cánh tay đắc lực" của bà Lan, khi làm theo các chỉ đạo liên quan cấp tín dụng, giải ngân và được tin tưởng giao mang hơn 5 triệu USD đi hối lộ trưởng đoàn thanh tra.
Ông Văn có quá trình gắn bó với SCB nhiều năm, trải qua nhiều vị trí và dần trở thành thân tín của chủ tịch Vạn Thịnh Phát. Một vị trí chủ chốt khác là phó chủ tịch HĐQT SCB Trầm Thích Tồn cũng từng là lãnh đạo của nhiều công ty con trong "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát".
Tương tự, nhiều vị trí lãnh đạo khác tại SCB qua các thời kỳ đều do bà Lan lựa chọn, sắp xếp từ những người thân tín.
Ký hiệu riêng và quy trình rút 1 triệu tỉ khi đa phần các hồ sơ vay tiền lập khống
Theo kết luận, liên quan đến việc SCB cấp tín dụng cho các khánh hàng, Trương Mỹ Lan sẽ trao đổi, chỉ đạo các tổng giám đốc, phó tổng giám đốc qua các thời kỳ như Nguyễn Thị Thu Sương, Võ Tấn Hoàng Văn, Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng hoặc Trần Thị Mỹ Dung.
Đối với chủ tịch HĐQT nhà băng này các thời kỳ như Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng được giao công việc liên quan nhân sự, tổ chức của ngân hàng.
Nhóm lãnh đạo SCB các thời kỳ sẽ làm việc theo một quy trình "bất thành văn", khi gặp khó khăn về tiền để trả cho các khoản vay trước sẽ thông báo cho Trương Mỹ Lan biết để xử lý.
Chủ tịch Vạn Thịnh Phát sẽ đi gặp bạn bè để mượn tài sản hoặc dự án, dùng tài sản thế chấp đảm bảo đưa vào SCB vay tiền ra xử lý các khoản vay trước. Tuy nhiên, các tài sản này thường không đủ giá trị để đảm bảo cho số tiền vay nhưng được "phù phép" thông qua thẩm định giá nâng khống giá trị.
"Những việc này sau khi báo cáo với Trương Mỹ Lan, lãnh đạo SCB các thời kỳ sẽ chủ động phân công cán bộ, nhân viên ngân hàng và những người liên quan thực hiện", kết luận nêu.
Mỗi khi cần tiền, bà Lan sẽ yêu cầu nhóm lãnh đạo SCB tập trung tại tòa nhà Times Square để họp ra các phương án lập khống hồ sơ vay tiền chứ không phải tại trụ sở ngân hàng.
Các bị can này khai biết các khoản vay của bà Lan là trái pháp luật nhưng vẫn làm theo chỉ đạo, phân công nhau thực hiện từng nhiệm vụ đưa tài sản nào vào thế chấp, thời gian giải ngân để đáp ứng nguồn tiền mỗi khi chủ tịch Vạn Thịnh Phát cần.
Bùi Anh Dũng khai, trong thời gian làm chủ tịch SCB, các khoản vay của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đều được cấp dưới là Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung báo cáo lại. Các khoản vay này đều có ký hiệu nhận biết riêng là "HSTT" (tức Hội sở tiếp thị) để SCB phê duyệt cho vay, bỏ qua quy trình vay thông thường.
Các khoản vay này đều có điểm chung là chỉ ký hợp thức hồ sơ, thủ tục cho vay để giải ngân, rút tiền từ SCB theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan chứ không thực hiện thẩm định tài sản đảm bảo, "không quan tâm phương án vay vốn", kết luận nêu.
Trong thời gian làm chủ tịch, ông Dũng đã ký hàng trăm biên bản, nghị quyết đồng ý cho 143 khách hàng vay 207 khoản tại SCB, có dư nợ đến 17-10-2022 là hơn 203.000 tỉ.
Cho vay bỏ qua các bước thẩm định khách hàng, tài sản đảm bảo
"Cánh tay đắc lực" của chủ tịch Vạn Thịnh Phát là Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên tổng giám đốc SCB) khai biết bà Lan là "chủ thực sự" của nhà băng này, nên làm theo mọi chỉ đạo để giải ngân các khoản vay mỗi khi được yêu cầu, dù biết không đúng quy định.
Ông Văn khai các khoản cho vay đối với các khách hàng thuộc "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát" của bà Trương Mỹ Lan chiếm tỉ trọng phần lớn số tiền mà SCB cho vay.
Mỗi khi cần tiền sử dụng, nữ chủ tịch sẽ gọi cho Văn, từ đó "cánh tay đắc lực" triển khai các phương án để giải ngân khoản vay.
Tổng giám đốc SCB biết số tiền sau khi giải ngân các khoản vay đứng tên cá nhân, pháp nhân thuộc "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát" sẽ được rút ra để bà Lan sử dụng vào các mục đích trả nợ cũ, trả nợ các ngân hàng khác, đầu tư dự án hoặc chi tiêu các việc không đúng với phương án vay vốn.
Võ Tấn Hoàng Văn đã ký hàng ngàn tờ trình, biên bản liên quan đến việc phê duyệt cho 402 khách hàng thuộc Vạn Thịnh Phát của Trương Mỹ Lan vay 638 khoản tại SCB, tổng dư nợ cả gốc cả lãi hơn 405.000 tỉ đồng.
Các khoản vay này cũng được thực hiện theo "quy trình" chung là ký khống thủ tục, hợp thức hồ sơ, bỏ qua các bước thẩm định khách hàng, tài sản đảm bảo theo quy định.
Tương tự, các bị can là lãnh đạo SCB cũng thực hiện theo quy trình trên để giải ngân với đa phần các khoản vay của Vạn Thịnh Phát.
Kết quả điều tra xác định từ ngày 1-1-2012 đến ngày 7-10-2022, SCB đã cho vay, giải ngân cho 1.366 khách hàng, trong đó liên quan trách nhiệm của Trương Mỹ Lan và đồng phạm vay 2.500 khoản với tổng số tiền 1.066.608 tỉ đồng.
Đến ngày 17-10-2022, các khoản vay tại SCB còn dư nợ hơn 677.000 tỉ đều thuộc nhóm không có khả năng thu hồi. Trong đó dư nợ gốc các khoản vay của bà Trương Mỹ Lan chiếm 93% tổng dư nợ gốc của hơn 23.000 khoản vay còn dư nợ tại SCB.
Trong đó, bà Lan chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền chiếm đoạt của Ngân hàng SCB, qua đó chiếm đoạt số tiền hơn 304.000 tỉ đồng. Ngoài ra, bà Lan còn bị cáo buộc gây thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỉ đồng.
Với hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, C03 quy kết nữ chủ tịch Vạn Thịnh Phát gây thiệt hại hơn 64.000 tỉ đồng.
Liên quan vụ Vạn Thịnh Phát, ngoài cựu cục trưởng Ngân hàng Nhà nước nhận hối lộ 5,2 triệu USD thì các thành viên còn lại trong đoàn thanh tra đều nhận tiền của SCB, ít nhất hơn 100 triệu và người nhận nhiều nhất 8,7 tỉ.