vĐồng tin tức tài chính 365

Cần thêm thời gian hoàn chỉnh Luật Đất đai sửa đổi

2023-11-20 10:01
Khu vực được giải tỏa để xây dựng nhà ga S6 Phạm Văn Hai của tuyến metro Bến Thành - Tham Lương đoạn qua quận Tân Bình, TP.HCM  - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khu vực được giải tỏa để xây dựng nhà ga S6 Phạm Văn Hai của tuyến metro Bến Thành - Tham Lương đoạn qua quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hôm nay (20-11), đợt 2 của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV tiếp tục làm việc. Theo dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đất đai sửa đổi vào ngày 29-11, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay dự luật chưa thông qua tại kỳ họp thứ 6 này và chuyển sang kỳ họp gần nhất.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu TẠ VĂN HẠ - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - nhấn mạnh dự án Luật Đất đai sửa đổi là dự luật rất quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước và chính mỗi người dân nên đòi hỏi phải kỹ lưỡng, thận trọng hơn.

Làm rõ 3 vấn đề chính

* Cử tri muốn biết quá trình chuẩn bị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến nay đã thực hiện đến đâu, thưa ông?

Đại biểu TẠ VĂN HẠ

Đại biểu TẠ VĂN HẠ

- Qua hai kỳ họp, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã rất cố gắng, dự thảo luật từng bước được hoàn thiện, nhiều nội dung quan trọng đã được thể chế hóa.

Tuy nhiên, ý kiến của các đại biểu về nhiều nội dung chính sách lớn còn khác nhau. Đồng thời chưa có điều kiện rà soát kỹ các nội dung cần có điều kiện chuyển tiếp, việc rà soát và hoàn thiện cần có thời gian, thận trọng và kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, một số chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu. Nhiều nội dung vẫn còn các phương án khác nhau. Vì vậy việc dời để thông qua vào kỳ họp gần nhất là hoàn toàn cần thiết, thể hiện sự thận trọng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Từ đó tạo cơ sở pháp lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang tồn tại nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả nguồn lực đất đai, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn, góp phần khơi thông nguồn lực phát triển, thúc đẩy các hoạt động đầu tư và kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

* Theo ông, những vấn đề trọng tâm nào cần phải hoàn thiện để có dự luật tốt nhất?

- Trong dự luật này, người dân quan tâm rất nhiều vấn đề nhưng có ba vấn đề chính, trọng tâm là giao đất, thu hồi đất và giá đất. Do vậy, dự luật cần làm rõ và quy định cụ thể các đối tượng nào được giao đất, giao như thế nào.

Cùng với đó các trường hợp nào sẽ bị thu hồi đất và việc thu hồi sẽ thực hiện ra sao, nhất là liên quan thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thỏa thuận trong thu hồi đất cũng cần phải được làm rõ, cụ thể hơn.

Vấn đề giá đất cũng rất quan trọng. Cần cụ thể hóa nguyên tắc giá đất do Nhà nước bồi thường khi thu hồi đất phải sát với giá thị trường và cơ chế điều tiết địa tô chênh lệch để tạo sự công bằng, người có đất thu hồi không bị thiệt thòi.

Nói cách khác nếu trong thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng... vẫn còn hai giá thì chuyện khiếu kiện sẽ không thể tránh khỏi. Dù là thu hồi đất để phục vụ quốc phòng - an ninh hay làm nhà ở thương mại thì người bị thu hồi đất vẫn là dân, trong số đó có nhiều gia đình rất khó khăn.

Thế nhưng, mức đền bù thì chênh lệch rất lớn, có khi các gia đình gương mẫu chuyển đi trước thì nhận đền bù giá thấp, còn những anh chây ì thì được đền bù giá cao. Như thế là bất bình đẳng.

Vì vậy nếu giải quyết được vấn đề về giá, tức là chỉ còn một giá, thì dù Nhà nước thu hồi hay doanh nghiệp tự thỏa thuận cũng sẽ hạn chế được khiếu kiện, vướng mắc, bất cập đặt ra. Tạo sự đồng thuận của nhân dân, khơi thông các nguồn lực cho tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

* Về phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng vẫn đang còn nhiều ý kiến trái chiều. Vậy theo quan điểm của ông, nên quy định thế nào để tối ưu?

- Liên quan nội dung này, trong dự luật, ban soạn thảo đang thiết kế hai phương án. Một là quy định tại luật về nội dung phương pháp và giao Chính phủ quy định trường hợp, điều kiện áp dụng. Hai là quy định ngay trong luật nội dung, trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp để bảo đảm công khai, minh bạch, khả thi.

Cá nhân tôi cho rằng cần phải quy định rõ trong luật nội dung, trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp để tùy từng trường hợp sẽ lựa chọn được phương pháp phù hợp. Từ đó sẽ bảo đảm công khai, minh bạch, khả thi.

Đề xuất Nhà nước thu hồi đất phát triển du lịch, dịch vụ

* Từ thực tế, theo ông, còn nội dung nào cần bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi để đảm bảo tính khả thi?

- Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, tôi đề nghị cần đưa đất phát triển khu du lịch, dịch vụ vào trong trường hợp phải được thu hồi đất. Bởi đất du lịch có hai loại, trong đó một là liên quan tài nguyên du lịch gồm danh lam thắng cảnh, đất rừng, nông thôn, di tích lịch sử nhưng đất thứ hai là đất phục vụ cho hoạt động du lịch dịch vụ. Đây là điều cần phải được quan tâm.

Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã nêu rõ về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngoài ra, Luật Du lịch cũng quy định chính sách về phát triển du lịch, tổ chức cá nhân kinh doanh du lịch được hưởng những mức ưu đãi hỗ trợ đầu tư cao nhất khi Nhà nước ban hành áp dụng chính sách để ưu đãi hỗ trợ đầu tư.

Hay Nhà nước có chính sách khuyến khích hỗ trợ hoạt động đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp có quy mô lớn, hệ thống cửa hàng miễn thuế, trung tâm mua sắm và phục vụ khách du lịch.

Như vậy phải quy định để đúng tinh thần nghị quyết, đồng bộ với Luật Du lịch. Ở dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có 16 chương 265 điều với 226 trang giấy nhưng chỉ có 11 từ du lịch, trong đó có 2 từ du lịch dành cho đúng ngành du lịch, còn 9 từ khác là dành cho giải quyết vấn đề sửa Luật Lâm nghiệp. Nếu như vậy, ứng xử với ngành kinh tế mũi nhọn mà đang kỳ vọng rất nhiều lại chưa được thỏa đáng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết qua lấy ý kiến, các đại biểu cho rằng cách thiết kế chính sách trong dự luật chưa tập trung, khó xác định xu hướng, chưa thống nhất nhiều vấn đề phức tạp. Một số chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu.

Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với các cơ quan hoàn thiện dự thảo luật để báo cáo Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến. Sau kỳ họp thứ 6, Ủy ban Kinh tế sẽ báo cáo một số nội dung xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền để có định hướng tiếp tục hoàn thiện chính sách lớn, phức tạp cũng như tổng thể dự luật.

Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (ủy viên Ủy ban Pháp luật): Xem xét lấy phiếu ý kiến về phương án khác nhau

Kỳ họp thứ 6 là kỳ thứ ba thảo luận về dự án luật này nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Thêm vào đó với một số nội dung còn nhiều phương án đưa ra khác nhau, thậm chí có nội dung có hai hay ba phương án. Do đó việc chuyển sang xem xét, thông qua ở một kỳ họp gần nhất là hợp lý.

Rõ ràng việc thông qua Luật Đất đai là đòi hỏi cấp thiết của thực tế, người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên việc nghiên cứu, xem xét kỹ, rút lại phương án tối ưu cho các quy định là điều cần thiết, để có một dự luật chất lượng, đáp ứng được yêu cầu, tránh việc không khả thi, phải sửa chữa sau khi ban hành...

Theo cá nhân tôi, để đảm bảo tính thống nhất, dân chủ, khách quan, công tâm, cùng với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thì với các quy định còn có phương án khác nhau, các cơ quan chức năng nên xem xét lấy ý kiến đại biểu bằng phiếu xin ý kiến. Kết quả sẽ làm căn cứ tổng hợp, đưa ra phương án tối ưu.

Thời gian tới trong việc chỉnh sửa cần chú trọng các nội dung trọng tâm. Trong đó có nội dung về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay với dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ. Đây là nội dung mà người dân rất quan tâm và có nhiều ý kiến khác nhau trong thảo luận...

Hay vấn đề hỗ trợ bồi thường, tái định cư, giá đất, phương pháp định giá đất... cũng là những nội dung cần có xem xét, nghiên cứu để đưa ra phương án tốt nhất.

Chủ tịch Quốc hội: Chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp thứ 6Chủ tịch Quốc hội: Chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp thứ 6

Chủ tịch Quốc hội cho biết các cơ quan và Chính phủ nhất trí, thống nhất sẽ trình Quốc hội chuyển dự Luật Đất đai sửa đổi sang kỳ họp gần nhất, chưa thông qua tại kỳ họp 6.

Xem thêm: mth.97735409002113202-iod-aus-iad-tad-taul-hnihc-naoh-naig-ioht-meht-nac/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cần thêm thời gian hoàn chỉnh Luật Đất đai sửa đổi”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools