Đây là chia sẻ của ông Trần Văn Thuấn, thứ trưởng Bộ Y tế, tại hội nghị triển khai chiến lược quốc gia về phòng chống kháng thuốc và hưởng ứng "Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc" diễn ra ở Hà Nội sáng 20-11.
Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc từ ngày 18 đến ngày 24-11-2023, với chủ đề là "Cùng nhau ngăn chặn kháng thuốc".
Theo ông Thuấn, kháng thuốc vẫn đang là mối lo ngại ở Việt Nam, bất chấp những tiến bộ khoa học đã đạt được trong 10 năm qua.
Trước đó, Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020 với sự tham gia của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đối tác phát triển trên thế giới đã phần nào đẩy mạnh phòng chống kháng thuốc.
Tuy nhiên, thực tế Việt Nam còn nhiều thách thức tồn tại, bao gồm năng lực hạn chế của các phòng xét nghiệm trong việc tiến hành giám sát và phân tích dữ liệu; kê đơn thuốc kháng sinh không phù hợp; thiếu việc thực thi các quy định về bán thuốc kháng sinh.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chiến lược đã đặt ra mục tiêu chung là làm chậm sự tiến triển kháng thuốc và ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của các vi sinh vật kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm.
Đồng thời, đảm bảo sự sẵn có, liên tục các thuốc kháng vi sinh vật và sử dụng thuốc kháng vi sinh vật hợp lý để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật. Từ đó góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người và động vật, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
"Để đạt được mục tiêu đã nêu đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết của tất cả các bộ, ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc", ông Thuấn nhấn mạnh.
Tiến sĩ Angela Pratt, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, đánh giá cao cách tiếp cận của Chính phủ và sự hưởng ứng trong Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc.
"Chiến lược này là một bước quan trọng hướng tới việc làm chậm sự tiến triển kháng thuốc, vốn là một thực trạng mà WHO đã tuyên bố là một trong 10 mối đe dọa sức khỏe cộng đồng hàng đầu mà nhân loại phải đối mặt.
WHO và các đối tác khác sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ và người dân Việt Nam trong công cuộc phòng chống kháng thuốc", tiến sĩ Pratt nói.
Tại hội nghị cũng diễn ra lễ ký văn bản thỏa thuận về phòng, chống kháng thuốc giữa các bộ và các đối tác phát triển - chung tay hành động thực hiện lời kêu gọi của WHO: "Cùng nhau ngăn chặn kháng thuốc".
Lần đầu tiên Chính phủ có chiến lược quốc gia phòng chống kháng thuốc với sự vào cuộc cùng lúc của ba bộ gồm Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.