Dự án làng Đại học Đà Nẵng nằm ở nơi giáp ranh giữa Đà Nẵng và Quảng Nam.
Việc dự án treo dài đằng đẵng hơn hai thập niên, giải tỏa kiểu "da beo" đã khiến cuộc sống của nhiều người dân phải lao đao.
"Nhiều năm qua, nơi đây cứ nhớp nhúa, ô nhiễm, cây cỏ dại um tùm. Người dân thì thấp thỏm. Có người giải tỏa đi rồi mà thấy đất bỏ hoang uổng nên quay về đây để trồng mấy luống rau kiếm sống" - ông Huỳnh Tuấn (trú quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) nói.
Theo tìm hiểu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có báo cáo kết quả rà soát thực trạng, khó khăn, vướng mắc dự án làng đại học thuộc Đại học Đà Nẵng.
Theo đó, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1997. Tuy nhiên, đến nay kết quả triển khai đầu tư còn rất hạn chế.
Đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, còn 65% diện tích đất thuộc quy hoạch chưa được giải phóng mặt bằng.
Đây là khó khăn, vướng mắc lớn nhất, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và tác động tiêu cực đến trật tự an ninh, đời sống của nhân dân ở địa bàn trong hơn 25 năm qua.
Phần diện tích đất quy hoạch thuộc địa bàn Đà Nẵng được triển khai khá tích cực, diện tích giải phóng mặt bằng đạt 78,95ha/110ha.
Trong khi đó, toàn bộ phần dự án trên địa bàn Quảng Nam chưa thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Theo báo cáo của Đại học Đà Nẵng, trong giai đoạn 2021-2025 sẽ giải phóng mặt bằng hơn 170ha diện tích đất quy hoạch ở địa bàn Quảng Nam, tổng nhu cầu vốn để thực hiện khoảng 4.164 tỉ đồng.
Phần diện tích đất được quy hoạch trên địa bàn Quảng Nam còn các vướng mắc như quy hoạch chi tiết 1/500 của Đại học Đà Nẵng trên ranh giới tỉnh Quảng Nam chưa được phê duyệt; chưa đề xuất phương án bố trí đất, xây dựng các khu tái định cư.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam giao các sở, ngành, địa phương liên quan về việc triển khai thực hiện dự án theo ý kiến chỉ đạo của phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Sau 20 năm, có những làng chài ở Quảng Nam năm xưa đã thành khu du lịch sầm uất. Ở đó, có những mái nhà gần như bị lãng quên, nơi có những con người buộc lòng bám trụ lại trong những căn nhà cũ dột nát, gió lùa.