Đáng chú ý, trong danh sách giảm lãi suất huy động lần này xuất hiện hàng loạt ngân hàng quy mô nhỏ như NCB, GPBank, Oceanbank…
Theo biểu lãi suất mới công bố hôm nay, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) giảm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 - 12 tháng với mức giảm từ 0,1 - 0,2%/năm, tùy kỳ hạn. Trong đó giảm mạnh nhất là các kỳ hạn từ 1 - 5 tháng.
Sau khi điều chỉnh, mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại NCB còn 5,7%/năm. Mức lãi suất huy động cao nhất áp dụng cho các kỳ hạn 15 - 60 tháng là 6%/năm.
Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) giảm lãi suất với mức giảm cao nhất lên đến 0,3%/năm, áp dụng với các kỳ hạn 3 - 5 tháng và 6 - 8 tháng.
Trong khi đó lãi suất các kỳ hạn 12 - 36 tháng đồng loạt giảm 0,2%/năm xuống mức 5,8%/năm. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất tại Oceanbank thời điểm này.
Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank) cũng giảm lãi suất thêm 0,2 - 0,3%/năm. Sau điều chỉnh, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng còn 5,25%/năm, kỳ hạn 9 tháng còn 5,35%/năm, kỳ hạn 12 tháng còn 5,45%/năm, và kỳ hạn 13 - 36 tháng còn 5,55%/năm.
Ở nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn, Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng giảm lãi suất các kỳ hạn dài từ 12 - 36 tháng, đưa lãi suất kỳ hạn này còn 5,15%/năm.
Kể từ đầu tháng 11 đến nay đã có hơn 20 ngân hàng cả quy mô lớn lẫn nhỏ giảm lãi suất huy động. Trong đó có những ngân hàng đã giảm lãi suất lần thứ hai trong tháng này.
Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng sau khi giảm lãi suất quá sâu đã nhích nhẹ lãi suất huy động ở một số kỳ hạn nhằm giữ nguồn vốn. Chẳng hạn Ngân hàng Phương Đông (OCB) tăng lãi suất các kỳ hạn từ 18 - 36 tháng.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tăng lãi suất các kỳ hạn 6 - 36 tháng, Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 2 - 5 tháng.
Gần đây trên thị trường tài chính đã ghi nhận những thông tin tích cực.
Sau 35 phiên phát hành liên tiếp với tổng quy mô 360.345 tỉ đồng, Ngân hàng Nhà nước đã dừng hoạt động chào bán tín phiếu từ ngày 9-11 và bơm trả lượng lớn thanh khoản cho hệ thống ngân hàng khi các lô tín phiếu cũ lần lượt đáo hạn.
Tính đến cuối phiên hôm nay, lượng tín phiếu lưu hành đã giảm về còn 97.050 tỉ đồng. Số tín phiếu này sẽ tiếp tục đáo hạn trong thời gian từ nay đến đầu tháng 12.
Lượng lớn tín phiếu đáo hạn cùng với việc Ngân hàng Nhà nước dừng phát hành tín phiếu mới khiến cho lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giảm về còn 0,18%/năm, ngang bằng giai đoạn trước khi Ngân hàng Nhà nước hút tiền trở lại qua kênh tín phiếu. Tỉ giá đã giảm gần 2% kể từ đầu tháng 11.
Theo các chuyên gia, việc Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) tạm dừng tăng lãi suất và lạm phát Mỹ thấp hơn dự báo sẽ góp phần giảm bớt áp lực lên tỉ giá. Từ đó giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm thúc đẩy nền kinh tế.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục xu hướng giảm, mức cao nhất chỉ còn 5,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng; còn gửi từ 1 đến dưới 6 tháng giảm còn khoảng 4%/năm.