Samsung hối lộ và biển thủ
Mới đây, chủ tịch Samsung Lee Jae Yong bị các công tố viên yêu cầu mức án 5 năm tù đối với hành vi gian lận kế toán và thao túng giá cổ phiếu liên quan vụ sáp nhập các công ty con của tập đoàn vào năm 2015, theo Financial Times.
Các công tố viên Seoul cho rằng ông Lee và một số người khác đã vi phạm Luật Thị trường vốn của Hàn Quốc khi thực hiện vụ sáp nhập năm 2015 nhằm giúp ông Lee có được quyền kiểm soát lớn hơn đối với Samsung Electronics, công ty hàng đầu trong Tập đoàn Samsung.
Trước đó, ông đã bị tuyên án tù trong một vụ án khác liên quan đến cáo buộc đưa hối lộ và biển thủ.
Cụ thể, ông đã hối lộ bạn thân của cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vào năm 2017 để giành được sự ủng hộ của chính quyền và củng cố quyền lực tại Tập đoàn Samsung. Cựu tổng thống Park cũng bị luận tội và cách chức vì tội danh tham nhũng và lạm quyền trong vụ án này.
Tuy nhiên, ông Park đã được ân xá vào năm ngoái. Ngay sau đó, ông đã củng cố vị trí lãnh đạo của mình tại Samsung với vai trò Chủ tịch điều hành.
Apple có hành vi trốn thuế
Năm 2013, một tiểu ban của Thượng viện Mỹ tiến hành điều tra và phát hiện gã khổng lồ công nghệ Apple đã thành lập 3 công ty con ở nước ngoài với số tài sản hơn 100 tỷ USD để tránh phải nộp thuế tại Mỹ.
Với khối tài sản khổng lồ đặt ở nước ngoài, chỉ riêng trong năm 2012, công ty này đã tránh được khoản thuế lên tới 9 tỷ USD. Theo một thượng nghị sĩ, Apple trốn được 1 triệu USD tiền thuế mỗi giờ.
Dù vậy, theo luật pháp Mỹ, các nhà chức trách không thể truy tố Apple vì trốn thuế. Do đó, các thượng nghị sĩ xác định hành vi của Apple là "không phù hợp" thay vì "bất hợp pháp". Giới chuyên gia cho rằng đây là một ví dụ về lỗ hổng trong luật pháp Mỹ.
Năm 2016, cơ quan chống độc quyền của Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra án phạt nhằm vào Apple, cáo buộc doanh nghiệp này trốn thuế khi "lách luật" bằng một công ty con đặt tại Ireland. Apple bị buộc phải trả lại cho chính phủ Ireland số tiền 13 tỷ Euro (tương đương 15 tỷ USD).
Vào thời điểm đó, EC cho biết, Ireland đã cho phép Apple trả mức thuế thấp hơn đáng kể so với các công ty khác, khi Apple chỉ phải đóng thuế 1% lợi nhuận tại châu Âu vào năm 2003 và mức thuế này giảm xuống còn 0,005% trong năm 2014.
Tuy nhiên, đến năm 2020, tòa sơ thẩm châu Âu đã đưa ra phán quyết lại về bản án, cho rằng EC không có đủ bằng chứng về việc chính phủ Ireland đã trao cho Apple những lợi thế về thuế, từ đó quyết định rằng công ty không trốn thuế, tức là không phải nộp bổ sung số tiền thuế 15 tỷ USD.
Toshiba gian lận kế toán
Năm 2016, Toshiba, đế chế công nghệ khổng lồ của Nhật, bị truy tố ra tòa sau vụ gian lận kế toán 1,3 tỷ USD.
Trong nhiều năm qua, Toshiba đã khai khống các con số tài chính để "làm đẹp" bản báo cáo kết quả kinh doanh của công ty. Vụ việc này đang làm dấy lên quan ngại về môi trường kinh doanh tại Nhật Bản.
Các điều tra viên của Nhật Bản cho biết, vụ gian lận kế toán của Toshiba bắt đầu từ năm 2008, khi Giám đốc điều hành Công ty khi đó là ông Atsutoshi Nishida đã gây sức ép cho cấp dưới phải làm mọi cách để đạt được mục tiêu lợi nhuận cao nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Các nhân viên công ty đã nghĩ ra cách khai khống giúp làm tăng lợi nhuận thêm ít nhất 1,2 tỷ USD từ năm 2008 đến 2014. Vụ việc khiến hàng loạt nhà đầu tư đâm đơn kiện đòi Toshiba bồi thường thiệt hại 162,3 triệu USD.
Để gia tăng tính minh bạch tại các công ty, Chính phủ Nhật Bản hồi tháng trước đã ban hành quy định mới yêu cầu tất cả các công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán phải có ít nhất 2 thành viên trong Ban Quản trị là những người không thuộc công ty.
Theranos - start up lừa đảo
Được thành lập bởi Elizabeth Holmes vào năm 2003, Theranos là một start up xét nghiệm máu dựa trên một thiết bị mà công ty này quảng cáo là có thể tiến hành hàng trăm xét nghiệm chỉ với một giọt máu.
Tới năm 2014, công ty này được định giá 9 tỷ USD và thiết bị của công ty được xem là một đột phá lớn trong ngành y tế. Tuy nhiên, không lâu sau đó, tờ Wall Street Journal đưa tin khẳng định những quảng cáo của Theranos là sai sự thật và thiết bị của công ty không làm được các xét nghiệm.
Bài báo khiến start up đình đám một thời phải đóng cửa phòng thí nghiệm và dừng hoạt động vào năm 2016. Nhà sáng lập Holmes hiện đối mặt với các cáo buộc gồm 9 tội danh lừa đảo và 2 tội danh âm mưu lừa đảo qua điện thoại. Vụ lừa đảo của Theranos cũng là một trong những bê bối chấn động nhất tại Thung lũng Silicon.
Rolls-Royce hối lộ thông qua các đại lý trung gian
Năm 2012, cơ quan điều tra tại Anh, Mỹ và Brazil xác định nhà sản xuất động cơ máy bay Rolls-Royce của Anh đã có hành vi hối lộ thông qua các đại lý trung gian để giành được các hợp đồng xuất khẩu tại Trung Quốc, Brazil, Indonesia và Nigeria.
Trong suốt nhiều năm, Rolls-Royce được cho là có quan hệ hòa hảo với chính phủ Anh cũng như nhiều quốc gia khác.
Kể từ khi bị điều tra, Rolls-Royce đã giảm mạnh việc sử dụng bên trung gian thứ 3 khi tiến hành các thương vụ mua bán và tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình thủ tục mua bán.
Năm 2017, Rolls-Royce đã nhất trí đi đến thỏa thuận sẽ nộp 671 triệu bảng Anh tiền phạt cho những cáo buộc về hành vi tham nhũng và hối lộ.