Trong một cuộc hội thảo với CEO Marc Benioff của Salesforce vào năm 2019, Giám đốc điều hành Tim Cook của Apple đã từng than vãn rằng người dùng hiện nay đang nhầm lẫn giữa sáng tạo là cứ phải có thứ gì đó mới mẻ ra đời. Thế nhưng Apple lại không suy nghĩ theo kiểu này.
Thay vào đó, nhà táo khuyết cho rằng sáng tạo là phải xây dựng nên một cái gì đó tốt đẹp hơn chứ không đơn giản chỉ là tạo ra sản phẩm mới hay thay đổi những cái cũ.
"Sáng tạo không đơn giản chỉ là thay đổi mà là khiến mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Với quan điểm này thì chúng đòi hỏi nhiều thứ hơn chỉ là thay đổi sản phẩm cũ và đưa ra sản phẩm mới", Tim Cook cho biết.
Thật vậy, nếu nhà sáng lập Steve Jobs nổi tiếng với khả năng tạo ra các sản phẩm mới đột phá giúp xác định lại trải nghiệm công nghệ của người dùng thì Tim Cook lại được biết đến nhờ mở rộng hệ sinh thái của Apple.
Ngoài ra vị CEO này còn biết tận dụng hào quang cũ để thu những đồng lợi nhuận từ sản phẩm đã không còn gì mới.
Nhờ đó trong hơn 10 năm điều hành Apple, Tim Cook đã khiến hơn 1 tỷ người trên thế giới phải dùng các sản phẩm của hãng và hàng chục triệu nhà phát triển phải phụ thuộc vào nền tảng nhà táo khuyết.
Vậy CEO Tim Cook đã thực sự làm gì để đưa tổng mức vốn hóa của Apple tăng 700% lên gần 3 nghìn tỷ USD, doanh thu hàng năm tăng hơn 100% nhưng sản phẩm chính của hãng là iPhone lại chẳng có gì mới?
Gặt lúa
Trên thực tế, nhà báo Michael Wade đã dự đoán được việc iPhone sẽ mất dần sức sáng tạo từ năm 2017 khi đăng bài viết trên tờ Yahoo Finance với nhận định rằng Apple đang thực hiện "chiến lược thu hoạch" (Harvest Strategy).
Đây là một chiến lược thường được sử dụng khi sản phẩm đã bước vào vòng đời trưởng thành và sang giai đoạn thoái trào. Thông thường, một sản phẩm sẽ có vòng đời giới thiệu (Introduction) rồi sang phát triển (Growth), tiếp đó là trưởng thành (Maturity) và thoái trào (Decline).
Khi sản phẩm đã hết "hot" và chuyển từ giai đoạn trưởng thành sang thoái trào, công ty sẽ không còn tốn tiền đầu tư đổi mới cho chúng làm gì nữa mà chuyển số vốn này đầu tư sang các mảng khác.
Tại thời điểm này, doanh số sẽ chủ yếu dựa trên lòng trung thành của khách hàng, danh tiếng của sản phẩm. Thậm chí doanh nghiệp có thể chỉ thay đổi chút mẫu mã rồi tung sản phẩm ra bán một lần nữa. Chiến thuật này còn được gọi là kiểu bán gợi nhớ nhằm tận dụng nốt giá trị sản phẩm.
Nói một cách đơn giản, Apple sẽ chuyển sang giai đoạn "gặt lúa" nhằm gia tăng lợi nhuận từ iPhone hơn là tập trung đổi mới sáng tạo như thời đầu.
Năm 2017, khi sản phẩm iPad của Apple bước vào giai đoạn thoái trào nhưng hãng vẫn quảng bá và thu được lợi lớn, nhà báo Michael Wade đã cảnh báo rồi các sản phẩm đang trong vòng đời tăng trưởng khác như iPhone, Mac cũng sẽ nối gót.
Theo đó, nhiều khả năng Apple sẽ hướng đến việc rót vốn cho những sản phẩm mới hay mảng kinh doanh mới dựa trên nền tảng cũ thay vì chỉ chăm chú phát triển iPhone.
Thật vậy, CEO Tim Cook đã cho ra đời nhiều phiên bản iPhone kể từ khi lên nắm quyền cùng hàng loạt thế hệ iPad, Mac khác nhau nhưng chúng hầu như không có thay đổi nhiều ngoại trừ những chiếc điện thoại to hơn.
Trong khi đó, Tim Cook là người giám sát sự ra đời của Apple Watch và AirPods, những nỗ lực nhằm phát triển các sản phẩm ăn theo iPhone.
"Về khía cạnh sản phẩm phần cứng, tôi cho rằng chúng mang tính lặp lại nhiều hơn là cách mạng, nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta phủ định công lao của Tim Cook. Thay vào chỉ sản xuất iPhone, Apple có thể trở thành một dịch vụ đăng ký âm nhạc, dịch vụ đăng ký tập thể dục và vô vàn những cơ hội khác với chợ ứng dụng App Store của mình", chuyên gia phân tích Tom Fort của DA Davidson nhấn mạnh.
Ổn định và tin cậy
Đồng quan điểm với nhà báo Wadw, tờ Business Insider (BI) cho hay Apple hiện nay không ham hố chạy đua theo những đột phá mới về công nghệ như các hãng điện thoại Trung Quốc theo đuổi.
Mặc dù iPhone không có màn hình gập, cũng chưa mở rộng công nghệ 5G hay có 4 mắt máy ảnh như Xiaomi hay Huawei, thế nhưng khách hàng vẫn lựa chọn nhà táo khuyết vì sự ổn định, tin cậy cũng như danh tiếng mà Apple mất công xây dựng suốt nhiều năm qua.
Thật vậy, dù so sánh về tốc độ chip, lượng pin, cấu hình... của các dòng smartphone mới nhất thì iPhone có lẽ không thực sự vượt trội so với Samsung, Huawei hay Xiaomi nhưng nếu thực hiện phép tính trên các dòng máy cũ, câu chuyện sẽ hoàn toàn khác.
Trái với những dòng điện thoại Android nhanh chóng giật lag, hỏng hóc hay chạy chậm chỉ sau vài tháng đến vài năm sử dụng thì iPhone đời cũ vẫn chạy tốt và có giá trị khi giao dịch trên thị trường thứ cấp. Nhờ chất lượng và sự ổn định của mình mà iPhone tạo được một thị trường smartphone cũ cực kỳ sôi động, điều mà không một hãng điện thoại nào làm được hiện nay.
So với thời Steve Jobs, Apple dưới thời CEO Tim Cook không thường xuyên tung ra những sản phẩm mới khác biệt hoàn toàn so với các phiên bản trước mà có xu hướng tập trung vào cải tiến gia tăng cho các sản phẩm hiện có.
Những bài phát biểu của Tim Cook cũng tẻ nhạt và chẳng gây hứng thú được bằng Steve Jobs. Thế nhưng vị CEO này không tìm kiếm cái mới hay sự đột phá mà tập trung hoàn thiện chuỗi cung ứng, đảm bảo lợi nhuận để "gặt lúa" thành quả.
Thêm nữa, đại đa số người dùng hiện nay sẽ không trả tiền cho những công nghệ mới hào nhoáng mà không mang lại điều gì hữu ích cho cuộc sống của họ.
Hãy nhìn Tesla làm ví dụ, dù một chiếc xe điện hiện đại tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến nhưng chúng cũng chẳng bằng những chiếc xe xăng của Toyota vẫn còn chạy hiệu quả trong nhiều năm nữa. Đó là lý do Toyota có mức lãi kỷ lục trong 2 quý vừa qua còn Tesla thì ngậm ngùi vì nhu cầu yếu khiến doanh số không như kỳ vọng.
Tìm nguồn thu mới
Sau những năm tháng mày mò, lần đầu tiên Apple công bố doanh số mảng dịch vụ vào tháng 1/2016 với 20 tỷ USD đầy tự hào. Kể từ đó đến nay, hãng liên tục phát triển các mảng dịch vụ mới như Apple Arcade, Apple TV+, Apple Fitness+...
Bất chấp những lời than vãn iPhone chẳng có gì mới, CEO Tim Cook vẫn dồn tiền sang các mảng hoạt động khác. Dưới thời của ông, Apple không còn là một nhà sản xuất điện thoại cao cấp mà đã trở thành một tập đoàn đa ngành nghề, kinh doanh từ mảng thanh toán trực tuyến đến sản xuất phim ảnh.
Bản thân Tim Cook đã chứng kiến việc Apple mua lại và sáp nhập hơn 100 công ty dưới thời điều hành của mình như thương vụ 1 tỷ USD mua lại mảng sản xuất di động của Intel năm 2019.
Năm tài khóa 2020, doanh thu mảng dịch vụ của Apple lên đến gần 53,8 tỷ USD, tương đương 20% tổng số doanh thu toàn công ty. Dù hãng vẫn thu lời từ bán iPhone nhờ chiến lược thu hoạch nhưng việc cải tiến, sáng tạo cái mới trên chiếc điện thoại này đã không còn là ưu tiên duy nhất.
Thay vào đó, công ty hướng đến các dịch vụ đi kèm, sản phẩm có liên quan để người tiêu dùng bị thu hút và có lý do để thay mới iPhone.
"Tim Cook vẫn để mảng iPhone chạy như bình thường nhưng chuyển hướng tập trung hơn cho phát triển dịch vụ trên nền tảng có sẵn". Chuyên gia Bailey của FBB nhận định.
Hãng tin CNN cho biết việc bán iPhone hãng năm vẫn đem lại lượng tiền lớn cho Apple nhưng giờ đây công ty đã có những mảng kinh doanh mới khác có tỷ suất lợi nhuận cao hơn, dễ dàng giữ chân người tiêu dùng với hệ sinh thái của họ hơn nữa.
"Tôi vẫn đang cố tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra trong tương lai khi iPhone không còn là trung tâm duy nhất của hệ sinh thái Apple nữa", chuyên gia Tom Forte của Davidson cho biết.
*Nguồn: BI, CNN, Yahoo Finance