Trong một động thái gây bất ngờ, Argentina tuyên bố nước này không có kế hoạch gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) vào ngày 1/1/2024 như dự định trước đó.
"Argentina không có kế hoạch trở thành thành viên BRICS vào ngày 1/1" – Bà Diana Mondino, cố vấn kinh tế cấp cao của Tổng thống mới đắc cử Javier Milei nói với hãng thông tấn Sputnik Brazil ngày 20/11.
Trước đó, vào tháng 6/2022, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Argentina – dưới sự lãnh đạo của Tổng thống sắp mãn nhiệm Alberto Fernandez – đã nộp đơn xin gia nhập BRICS.
Tới tháng 8/2023, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 diễn ra ở Nam Phi, BRICS đã thông báo quyết định lịch sử về việc mời kết nạp thêm 6 thành viên mới bao gồm Argentina, Iran, Ethiopia, Saudi Arabia, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Tư cách thành viên của các nước này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 sau lễ kết nạp chính thức.
"Tôi không biết tại sao BRICS lại thu hút nhiều sự quan tâm đến vậy" – Bà Mondino bày tỏ rằng bà không rõ việc gia nhập BRICS sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho Argentina.
Trong khi đó, ông Javier Milei – người đã đánh bại Bộ trưởng Kinh tế Sergio Massa trong cuộc tranh cử Tổng thống Argentina ngày 19/11 vừa qua – từng lên tiếng phản đối việc gia nhập BRICS. Ông chỉ ra sự miễn cưỡng rõ rệt của Argentina khi vừa hỗ trợ các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc - Brazil, vừa lên kế hoạch nối lại quan hệ kinh tế với Mỹ - Israel.
Tổng thống mới đắc cử của Argentina cũng tuyên bố sẽ "đô la hóa" nền kinh tế nước này, nhưng sẽ không can thiệp vào hoạt động của các doanh nghiệp trong nước đang có giao dịch với các quốc gia BRICS.
Quan điểm của ông Milei trái ngược hẳn với Tổng thống sắp mãn nhiệm Alberto Fernandez – người cho rằng BRICS sẽ là cơ hội mở ra "viễn cảnh mới" cho Argentina.
Việc Argentina rút khỏi BRICS ít nhiều cũng tác động tới kế hoạch tương lai của nhóm các nền kinh tế mới nổi, xét tới tầm ảnh hưởng chính trị và nguồn tài nguyên dồi dào của quốc gia này.
Nắm giữ 2 ‘kho báu’ hàng đầu thế giới
Theo Cục Quản lý Thương mại Quốc tế Mỹ, Argentina là nền kinh tế lớn thứ 3 ở khu vực Mỹ Latinh với GDP đạt 632,24 tỷ USD vào năm 2022 và dân số 46,9 triệu người trải rộng trên 23 tỉnh thành tính đến tháng 1/2023.
Đây được coi là một trong những quốc gia có mức độ đô thị hóa cao nhất thế giới (xấp xỉ 92%). Đất nước này cũng có lực lượng lao động tài năng và có học thức, nhưng phải trải qua nhiều biến động kinh tế trong 75 năm qua.
Bất chấp những khó khăn gần đây, Argentina vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp. Argentina hiện là nhà xuất khẩu lớn nhất toàn cầu đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ đậu nành và dầu diesel sinh học.
Bên cạnh đó, Argentina còn là nước sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ 4 ở Mỹ Latinh, đồng thời nắm trong tay 2 "kho báu" hàng đầu thế giới, gồm khí đá phiến (trữ lượng lớn thứ 3 toàn cầu) và lithium (trữ lượng lớn thứ 4 toàn cầu).
Trong đó, lithium - thứ kim loại được ví von như "vàng trắng" này đang đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực sản xuất xe điện (EV), trở thành "cơn khát" đang bùng nổ của toàn thế giới. Một nghiên cứu của Đại học KU Leuven (Bỉ) cho thấy, nhu cầu về lithium sẽ tăng gấp 35 lần đến năm 2050.
Hồi tháng 8, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), tầm ảnh hưởng của Argentina trong các khối như G20, vị thế của họ trong nền kinh tế Mỹ Latinh, cũng như các tài nguyên mà quốc gia Nam Mỹ nắm giữ là những lý do BRICS muốn kết nạp Argentina.
Nhân tố đặc biệt quan trọng với Trung Quốc
Đối với Trung Quốc – một trong các thành viên sáng lập BRICS, vai trò của Argentina lại càng quan trọng.
Theo tờ Modern Policy, vào tháng 2/2022, Argentina đã trở thành quốc gia mới nhất tham gia Sáng kiến Vành đai & Con đường – một dự án đầy tham vọng nhằm mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc thông qua việc tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng trên toàn cầu.
Trước đó, trong nhiều năm, Bắc Kinh đã mở rộng sự hiện diện ở Argentina bằng cách tài trợ mạnh cho các dự án cơ sở hạ tầng của nước này. Tính đến tháng 2/2022, Argetina đã được Trung Quốc tài trợ 11 dự án, từ đường sắt, đập nước cho tới nhà máy điện mặt trời và điện hạt nhân.
Ở chiều ngược lại, Argentina là một phần của "tam giác lithium", đóng vai trò cực kỳ quan trọng giúp Trung Quốc đáp ứng nhu cầu trong nước.
Năm ngoái, công ty khai thác mỏ Zijin Mining Group Co Ltd của Trung Quốc đã thông báo sẽ đầu tư 380 triệu USD để xây dựng nhà máy lithium carbonate ở Argentina.
Theo Benchmark Mineral Intelligence (BMI), khi doanh số bán xe điện (EV) ngày càng tăng ở Trung Quốc, nhu cầu từ các nhà sản xuất pin EV cũng tăng lên gấp bội, đẩy giá lithium carbonate ở Trung Quốc lên mức cao kỷ lục 41.925 USD/tấn. Nhu cầu tăng đột ngột này đã khiến Bắc Kinh dành sự quan tâm lớn đến trữ lượng lithium của Argentina.
Bên cạnh đó, vị trí địa lý chiến lược của Argentina được xem như một cửa ngõ để Trung Quốc tăng cường sức ảnh hưởng trong khu vực.
Tạp chí Foreign Policy nhận định, Trung Quốc muốn tiếp tục đưa Argentina vào vùng ảnh hưởng của mình, bất chấp mối quan hệ ngoại giao mạnh mẽ giữa Buenos Aires với Washington.
Theo tạp chí này, nếu không có cách tiếp cận rộng hơn với châu Mỹ Latinh để đáp ứng nhu cầu phát triển của Argentina, Mỹ có nguy cơ "vuột mất Argentina vĩnh viễn".
Có thể thấy rõ tầm quan trọng của Argentina đối với Trung Quốc. Ngay từ khi quốc gia Nam Mỹ phát đi tín hiệu về ý định gia nhập BRICS năm 2022, họ đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Bắc Kinh.
Trước thông tin về việc Argentina quyết định không gia nhập BRICS, Reuters cho biết, Trung Quốc vẫn một lần nữa tái khẳng định sự ủng hộ của nước này đối với các thành viên mới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cho biết, bà chưa nghe tới những lời bình luận (về việc không gia nhập BRICS) từ bà Diana Mondino.
"Tôi muốn nói rằng, cơ chế hợp tác BRICS là nền tảng quan trọng để các thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển tăng cường đoàn kết, hợp tác, cũng như duy trì lợi ích chung" – Bà Mao Ning nhận định.
Ngoài Trung Quốc, Argentina cũng là đối tác chiến lược của Nga. Ông Dmitry Rosenthal - người đứng đầu Viện Mỹ Latinh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga tin tưởng rằng, Tổng thống đắc cử Argentina Javier Milei có thể phản đối việc gia nhập BRICS ở hiện tại, nhưng cũng có thể sẽ thay đổi quan điểm theo thời gian.
"Trở thành thành viên BRICS là điều hữu ích cho Argentina trong tương lai" – ông Rosenthal nêu quan điểm, đồng thời lưu ý rằng phe ủng hộ ông Milei không chiếm đa số ghế trong quốc hội và điều này sẽ ảnh hưởng tới các quyết định của chính quyền Argentina, khiến họ khó có thể thay đổi nhanh chóng quan hệ hợp tác với Nga, Trung Quốc, cũng như các nước ở phía Nam bán cầu.
"Tôi cho rằng không thể nhanh chóng thực hiện sự đảo ngược này, cũng như không thể sửa đổi chính sách kinh tế và thương mại, từ bỏ Ngân hàng Trung ương nếu không có đa số ghế trong quốc hội, điều này là không thể" – vị chuyên gia nhận định.