Giám đốc nghệ thuật của Liên hoan phim châu Á - ông Antonio Termenini trong buổi họp báo giới thiệu Liên hoan phim Ý 2023 tại Việt Nam chiều 21-11 cho biết gần đây Tổng cục Xúc tiến điện ảnh của Ý, cũng như giới làm phim Ý đã thảo luận rất nhiều về vấn đề có đáng không khi đầu tư cho những bộ phim kén khán giả.
Cuộc thảo luận đang tiếp tục và vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn. Vấn đề có vẻ tương tự như ở Việt Nam.
Lượng khán giả không phải thước đo duy nhất của điện ảnh
10 năm qua tại Ý có sự thay đổi nhiều về lượng quỹ dành cho điện ảnh, không chỉ là sản xuất phim mà còn hỗ trợ quảng bá phim ra nước ngoài, giới thiệu phim của các nước khác tại Ý.
Bên cạnh đó Ý còn có những hỗ trợ cho các nhà làm phim mới, đặc biệt là những nhà làm phim mà lần đầu tiên làm phim dài. Tiền hỗ trợ rất quan trọng với nhà làm phim trẻ.
Về sự đầu tư của Ý cho điện ảnh, ông Marco della Seta - đại sứ Ý tại Việt Nam - cho biết thêm, những năm gần đây Bộ Văn hóa Ý tài trợ cho toàn bộ các công đoạn làm phim và quỹ này tăng lên theo từng năm.
ông Antonio Termenini cho biết hiện nay nguồn lực của Ý dành cho điện ảnh rất lớn, gần như bằng Pháp, Đức. Nhưng những năm tới có thể có một số thay đổi ví như sẽ có ít tiềm lực đầu tư cho điện ảnh hơn.
Theo ông, số lượng khán giả, doanh thu phòng vé không phải là thước đo duy nhất để quyết định có nên đầu tư cho một bộ phim hay không. Còn có những thước đo khác, có thể là câu chuyện mà những tác phẩm mang lại.
Xã hội đương đại của Ý hiện nay như thế nào?
Khán giả Việt có thể tìm được câu trả lời qua sáu bộ phim được chọn chiếu trong Liên hoan phim Ý 2023, do Đại sứ quán Ý tại Hà Nội tổ chức, diễn ra tại Trung tâm chiếu phim quốc gia (87 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội) vào lúc 19h30 hằng ngày từ ngày 27-11 đến 2-12.
Sáu bộ phim nổi bật thuộc nhiều thể loại, phong cách, từ chính kịch đến hài kịch, trong đó nhiều bộ phim đã giành được giải thưởng tại các liên hoan phim danh giá, sẽ khắc họa xã hội hiện đại của Ý trước những thách thức mới, đồng thời cố gắng kết nối và duy trì truyền thống lâu đời của mình.
Chim Ruồi (đạo diễn Francesca Archibugi, 2022) là một câu chuyện về cuộc đời một người đàn ông từ khi sinh ra tới khi qua đời, trong đó niềm vui, nỗi đau và nỗi lo lắng của một gia đình trung lưu như bao gia đình khác đan xen với sự phát triển của một tình yêu tuyệt đối và phi thường qua ba thế hệ.
Diabolik (đạo diễn Antonio Manetti và Marco Manetti, 2021) kể câu chuyện tên trộm huyền thoại Diabolik lên kế hoạch cho vụ trộm tiếp theo của mình: đánh cắp một viên kim cương có giá trị từ nữ thừa kế Eva Kant, người đang hẹn hò với thứ trưởng Bộ Tư pháp Giorgio Caron...
Tháng 9 (đạo diễn Giulia Louise Steigerwalt, 2022) là ba câu chuyện đời thường của cậu thiếu niên dè dặt với mối tình vừa chớm nở, một người mẹ mất kết nối trong mối quan hệ gia đình, và một bác sĩ loay hoay sau cuộc ly hôn với người vợ cũ…
Diabolik - Ginko Tấn công! (đạo diễn Antonio Manetti và Marco Manetti, 2022) là câu chuyện Diabolik thực hiện một vụ trộm táo bạo để đánh cắp vương miện Armen từ một hầm bảo vệ và sau đó là châu báu Armen trong buổi biểu diễn vở ballet Emerald. Tuy nhiên, đây là một cái bẫy…
Leonora Addio (đạo diễn Paolo Taviani, 2022) kể câu chuyện nhà văn Pirandello qua đời để lại mọi chuyện còn dang dở, ngổn ngang khi chẳng có một lễ tang hay lễ kỷ niệm nào, nhưng cuối cùng lại có đến ba lễ tang dành cho ông…
Sự trở lại của Casanova (đạo diễn Gabriele Salvatores, 2023) là câu chuyện một đạo diễn nổi tiếng đang bước vào giai đoạn hoàng hôn cả về mặt thể xác lẫn tinh thần, Leo Bernadi không thể chấp nhận sự sa sút dần dần của ông…
Vé liên hoan phim được phát miễn phí cho khán giả đăng ký online với ban tổ chức. Sau mỗi buổi chiếu phim sẽ có phần hỏi đáp với giám đốc nghệ thuật của Liên hoan phim châu Á - ông Antonio Termenini.
Chiều 30-11, tại Casa Italia sẽ có buổi trò chuyện chủ đề "Liên hoan phim quốc tế - Quá trình thực hiện và những câu chuyện hậu trường" với ông Antonio Termenini và các nhà phê bình điện ảnh, đạo diễn điện ảnh nổi tiếng của Việt Nam.
Sau Hà Nội, liên hoan phim sẽ vào TP.HCM.
TTO - Ra mắt khán giả dịp 30-4, Bình minh đỏ - bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng - xuất hiện đúng lúc như một ví dụ về một cách giáo dục lịch sử khác, bằng nghệ thuật.