Nhiều lớp phòng thủ tầm trung, tầm xa
Hồi đầu chiến sự, phía Ukraine đã tái sử dụng các hệ thống tên lửa tầm trung có từ thời Liên Xô như hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-300 hay tổ hợp tên lửa Buck M1 để bảo vệ thủ đô Kiev.
Hiện nay, hệ thống tên lửa phòng thủ ở thủ đô Kiev đã được tăng cường nhờ các hệ thống tên lửa Gepard tầm ngắn của Đức và hệ thống phòng không tầm ngắn Avenger của Mỹ để đánh chặn các máy bay không người lái (drone) và tên lửa hành trình.
Trong khi đó, ở lớp phòng thủ tầm trung, Ukraine đang sử dụng tên lửa phòng không tầm trung MIM-23 Hawk của Mỹ do hãng Raytheon sản xuất, hệ thống tên lửa đất đối không NASAMS của hãng Raytheon hợp tác với tập đoàn Kongsberg của Na Uy và hệ thống tên lửa IRIS-T SLM của Đức.
Ngoài ra, Ukraine còn sử dụng hệ thống phòng thủ tầm xa PAC-3 của hãng Patriot (Mỹ) và hệ thống SAMP-T của nhà sản xuất tên lửa phòng không Eurosam do Pháp và Ý gửi đến.
Ông Serhiy Popko - người đứng đầu Cơ quan quản lý quân sự thủ đô Kiev - nói với tờ Politico rằng lực lượng phòng không Ukraine đã chứng minh khả năng tích hợp những hệ thống phòng không hiện đại với các hệ thống phòng không cũ có từ thời Liên Xô.
“Chúng tôi vẫn đang mong đợi sự hỗ trợ từ những đồng minh và đối tác. Chúng tôi cần thêm hệ thống phòng không đa dạng. Mỗi tổ hợp tên lửa phòng không đều “quý như vàng” không chỉ đối với Kiev mà còn đối với các vùng khác của Ukraine”, ông Popko cho biết.
Tờ Politico nhận định có lẽ vì có lớp phòng thủ vững mạnh mà người dân từ những khu vực chiến sự khác đã di tản đến thành phố Kiev và cả khu vực vùng ven xung quanh thủ đô.
“Người dân từ các khu vực Patriot, Dnipro, Zaporizhzhia bắt đầu di chuyển đến Kiev và tìm nhà ở thủ đô này. Bởi theo họ giải thích, Kiev được bảo vệ tốt hơn và ít khi trở thành mục tiêu của tên lửa so với thành phố quê hương của họ”, ông Oleksandr Zhytiuk, một nhà môi giới bất động sản địa phương, cho biết.
Vẫn là vùng chiến sự
Dù vậy, thủ đô Kiev vẫn chưa thực sự là nơi an toàn, bởi Nga đã bắt đầu nối lại tấn công khu vực này từ cuối tuần qua.
Ông Popko cho biết còi báo động không kích gần như vang lên hằng ngày, trong khi giới chức Ukraine vẫn kêu gọi người dân thủ đô nên thận trọng.
“Với loạt hệ thống phòng không được bổ sung, mức độ bảo vệ thủ đô khỏi các cuộc tấn công trên không đã trở nên tốt hơn. Nhưng tôi vẫn phải nhắc lại rằng cách phòng thủ tốt nhất là đi đến nơi trú ẩn khi có cảnh báo không kích. Bởi ngay cả khi tên lửa bị chúng tôi bắn hạ rơi xuống có thể tạo ra nhiều mảnh vỡ”, ông Popko nhận định.
Chính phủ Ukraine kêu gọi đồng minh gửi thêm hệ thống phòng không để bảo vệ các thành phố khác.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Kiev muốn hợp tác cùng sản xuất vũ khí với các đối tác.
Đồng thời, ông Zelensky hy vọng các đồng minh sẽ gửi thêm hệ thống phòng không vào cuối năm nay để có thể chống lại những đợt tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng, được đồn đoán sẽ được Nga triển khai vào mùa đông tới.
Rạng sáng 19-11, Cơ quan quản lý quân sự thủ đô Kiev, Ukraine tố Nga lại tấn công bằng các máy bay không người lái (drone) vào khu vực này hai đêm liên tiếp.