Như Thanh Niên thông tin, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, trước thông tin đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nêu người dân mệt mỏi khi phải xin giấy chuyển viện (giấy chuyển tuyến - PV), Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, các quy định giảm thủ tục phiền hà cho người dân nhưng cũng phải đảm bảo sự bền vững của hệ thống y tế, tránh quá tải dồn lên tuyến trên. Theo bà Lan, luật Khám chữa bệnh cũ chia làm 4 cấp chuyên môn khám, chữa bệnh, luật mới hiện hành là 3 cấp, đảm bảo các cấp nào được khám, chữa bệnh đến mức độ nào, căn cứ khả năng đáp ứng của cơ sở và tình trạng người bệnh.
Theo bà Lan, hiện việc chuyển tuyến được chia làm 2 luồng: từ tuyến dưới lên tuyến trên nếu cơ sở không đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân; từ tuyến trên xuống tuyến dưới khi bệnh tật ổn định, đảm bảo công tác điều trị lâu dài. Tuy nhiên, để giảm thủ tục hành chính, Bộ Y tế sẽ tiếp thu và đang tập trung sử dụng việc chuyển tuyến điện tử, giải tỏa khó khăn cho người dân.
Câu hỏi là có bỏ được giấy chuyển tuyến như đại biểu Trí nêu hay không? Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, vai trò giấy chuyển tuyến rất cụ thể, nêu rõ tình trạng lịch sử điều trị cũng như bệnh án, dù là giấy hay điện tử cũng rất cần thiết.
Tờ giấy làm khổ bao nhiêu người
Đa số bạn đọc (BĐ) Thanh Niên đều cho rằng cần bỏ giấy chuyển viện vì sự phiền hà, bất tiện. "Chẳng ai muốn đi xa để khám và chữa bệnh cả, chẳng qua vì nguyên nhân tuyến dưới không đáp ứng được nhu cầu thôi. Tôi đề nghị thông tuyến cả nước. Tuy nhiên nếu chỉ khám ngoại trú thôi thì phải theo tuyến quy định. Còn nếu phải điều trị nội trú thì thanh toán toàn bộ quá trình kể cả khám trước khi nhập viện, vì hiện nay một số bệnh nhân (BN) mắc bệnh nặng nhưng rất khó xin giấy chuyển viện làm chậm trễ thời gian điều trị", BĐ Canh Nguyễn đề nghị.
Cùng quan điểm, BĐ Thanh Hà ý kiến: "Giấy chuyển viện gây khó khăn cho BN nên bỏ là đúng. Còn bệnh viện (BV) tuyến dưới bác sĩ yếu kém không chẩn đoán được tình trạng bệnh nhưng cũng không chịu chuyển mà khi chuyển lên tuyến trên thì bác sĩ tuyến trên nói không trị được mà không chuyển sớm để BN ngày càng nặng. Vậy thì trách nhiệm thuộc về ai? Tôi đề nghị khi cấp cứu BN ở tuyến dưới mà trong 24 giờ anh không tìm ra bệnh thì nên chuyển BN đi. Cái khó của tuyến dưới là chưa tìm được nguyên nhân nên điều trị không giảm mà ghi trong bệnh lý chẩn đoán không đúng thì BV tuyến trên họ nói. Vì thế tuyến dưới không chuyển BN. Khi chuyển thì BN đã gần đất xa trời".
Một số BĐ đặt vấn đề bị bệnh mạn tính điều trị từ năm này qua năm khác mà mỗi năm vẫn phải yêu cầu chuyển tuyến, như vậy có phù hợp không. "Tôi đang điều trị tại BV Ung bướu Đà Nẵng (tuyến tỉnh) nhưng vẫn phải mỗi năm xin giấy chuyển tuyến của BV đa khoa tỉnh. Cùng là tuyến tỉnh mà sao vẫn yêu cầu chuyển tuyến?", BĐ Thuy Nhi bức xúc.
"Không còn giấy chuyển tuyến thuận lợi cho người bệnh thực sự, nhưng dễ phát sinh hỗn độn việc khám, chữa bệnh ở tuyến trên, gây quá tải ở tuyến T.Ư, y tế cơ sở và tuyến huyện khó thu dung được cả bệnh thông thường... Thuận lợi và không thuận lợi phải nghiên cứu, cân nhắc", BĐ Thuong Nguyen đề nghị.
Chuyển đổi số để thuận tiện khám chữa bệnh
BĐ cho rằng thật ra có khó khăn trong chuyển viện người dân mới nêu ý kiến. "Việc không phải là mới và cũng không phải quá khó, mong đã nhận diện được nguyên nhân rồi thì nhanh chóng khắc phục. Không ai muốn ốm đau bệnh tật vì vậy khi có nhu cầu thăm khám, điều trị thì cần được quan tâm, chia sẻ", BĐ Trịnh Cường góp ý.
BĐ Huy Nguyễn góp ý cụ thể hơn: "Tại sao không quyết liệt ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào công tác khám chữa bệnh, trong đó cái giấy chuyển tuyến cũng nên số hóa với các thông tin về lịch sử bệnh, phương pháp đã điều trị cho BN... Với hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử thì bác sĩ ở tuyến nào cũng có thể truy cập để xem được. Vừa nhanh gọn, vừa giảm thủ tục rườm rà cho người bệnh".
"Giấy chuyển viện là giấy phiền hà nhất. Theo tôi không ai muốn chuyển tuyến làm gì nếu tuyến dưới có chuyên môn giỏi và thuốc điều trị bệnh đáp ứng. Tôi nghĩ Bộ Y tế sợ quá tải tuyến trên. Muốn không quá tải tuyến trên thì sau khi BN khám tuyến trên xong, thuốc đáp ứng điều trị thì cấp thuốc về trạm y tế và thông báo cho BN ở địa phương đó biết đến trạm y tế để được cấp thuốc, từ đó nâng cao tay nghề cho bác sĩ tuyến cơ sở thì chắc chắn tuyến trên không bao giờ quá tải", BĐ S.A ý kiến.
"Nếu không có lòng tin hoặc đã từng bị làm mất lòng tin nên người ta mới xin được chuyển viện chứ đâu có ai rảnh ở gần nhà không muốn lại muốn đi xa. Cho nên đề nghị vấn đề ở lại điều trị hay chuyển tuyến trên nên để cho BN và người nhà họ quyết định, không dùng từ "xin" mà là đề nghị được chuyển viện. Nếu tuyến dưới quan tâm cải thiện làm tốt được công tác chuyên môn và phục vụ người bệnh tốt thì chả ai muốn đi xa lên tuyến trên để làm gì cho hao tốn", BĐ Phuoc Tam thẳng thắn.