Vậy mà hơn 10 năm trôi qua, vấn nạn này vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện, thậm chí còn trở nên nóng bỏng trên diễn đàn Quốc hội mấy ngày qua.
Dạy thêm, học thêmkhông chỉ gây tốn kém cho phụ huynh, quá tải cho học sinh mà còn phô bày một hình ảnh xấu xí về người thầy khi nơi này nơi kia phản ánh có tình trạng giáo viên ép học sinh học thêm, các nhà trường tổ chức dạy thêm với hình thức "tự nguyện kiểu ép buộc".
Tệ hơn, có chuyện học sinh bị trù dập, đối xử không công bằng chỉ vì không chịu đi học thêm.
Không quản nổi
Theo thông tư 17, hoạt động dạy thêm, học thêm phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản: không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau,
khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh; tuyệt đối không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa...
Thông tư cũng quy định rõ các trường hợp không được dạy thêm, học thêm là: học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học hai buổi/ngày; học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường, dạy chính học sinh của mình khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Như vậy, theo văn bản pháp lý, việc dạy thêm, học thêm không bị cấm hoàn toàn mà đã cho duy trì có điều kiện. Tuy nhiên ngay cả giải pháp dung hòa này cũng khó thực hiện. Việc "chống dạy thêm, học thêm tràn lan" nằm trong nhiệm vụ của nhiều năm học.
Một số địa phương cũng đã triển khai việc này mạnh mẽ, bằng việc ra các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thanh tra kiểm tra đột xuất. Nhưng tình trạng cấm cứ cấm, làm cứ làm vẫn diễn ra.
Trong các nhà trường, việc học sinh cuối cấp tham gia học một số môn văn hóa tăng cường để chuẩn bị thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT khá phổ biến. Việc này được tổ chức dưới hình thức tự nguyện nhưng hầu hết học sinh phải tham gia.
Nhiều nhà trường đưa các môn nghệ thuật, thể thao, tiếng Anh tăng cường, tổ chức luyện thi IELTS, kỹ năng sống... vào trường học đều theo con đường "tự nguyện". Khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, viện cớ chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, nhiều trường đã sắp xếp thời khóa biểu khiến học sinh phải học tới trên dưới 45 tiết/tuần.
Trong khi đó ở bên ngoài nhà trường, hoạt động dạy thêm, học thêm cũng sôi động: dạy ở trung tâm văn hóa, do các nhóm thầy cô tập hợp tổ chức, do phụ huynh tổ chức mời giáo viên dạy; dạy tại nhà thầy, cô giáo. Nếu như học sinh THCS, THPT học thêm vì cần bồi dưỡng kiến thức thì học sinh tiểu học học thêm còn có lý do khác "cần người trông trẻ ngoài giờ học"...
Việc đề nghị đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bộ trưởng Bộ GD-ĐT muốn có thêm cơ sở pháp lý quản việc này ở ngoài nhà trường.
Cần quay lại từ gốc
Nhu cầu học thêm, theo thầy Nguyễn Tùng Lâm - Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
"Ở tiểu học, tình trạng phụ huynh bị ép cho con học thêm phổ biến hơn ở bậc học trên. Vì thực chất, học sinh không cần thiết phải học thêm.
Nhất là với những học sinh đã học hai buổi/ngày thì mọi yêu cầu học tập hầu như giải quyết tại trường. Ngoại trừ một số người có nhu cầu thật vì cần người quản con ngoài giờ thì nhiều phụ huynh vì ngại, vì sợ phải cho con đi học", thầy Tùng Lâm nhìn nhận.
Siết chặt quản lý và có chế tài nghiêm khắc hơn với trường hợp "ép buộc" theo thầy Lâm là cần thiết. Nhất là tình trạng dạy trước, mang kiến thức chính khóa ra dạy ở lớp dạy thêm. Việc này hành lang pháp lý đã có, chỉ còn vấn đề thực thi, chế tài thế nào.
Tuy nhiên thầy Tùng Lâm cũng chia sẻ những nguyên nhân khác như tâm lý chạy theo điểm số (của phụ huynh), áp lực thành tích (do giáo viên bị áp thi đua) và quan trọng hơn là áp lực thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học quá nặng nề khiến ở các bậc THCS, THPT việc phụ huynh tình nguyện, thậm chí chạy đi khắp nơi tìm thầy cho con học thêm là sự thật.
"Với những người dạy thêm có uy tín, thu nhập mỗi tháng hàng trăm triệu đồng, nhưng dù họ có từ chối thì học sinh vẫn lao đến, ở góc độ nhu cầu thật thì khó có thể phê phán người thầy. Mà để giảm dạy thêm, học thêm không cần thiết, cần có giải pháp làm giảm "nhu cầu học thêm" hơn là tìm cách cấm đoán", một nhà quản lý giáo dục ở Hà Nội chia sẻ.
Thầy Nguyễn Văn Hòa, chủ tịch hội đồng quản trị Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cũng cho rằng việc dạy học hiện nay vẫn chủ yếu cung cấp kiến thức, hướng tới thi cử, điểm số cao. Khi vấn đề này chưa được thay đổi thì dù có cấm, dạy thêm và học thêm vẫn tồn tại ở những hình thức khác nhau.
Cần chăm lo cho giáo viên
GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành, chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, đặt ra một vấn đề căn cơ khác là cần cải thiện môi trường làm việc của giáo viên đồng thời với đó là cơ chế đãi ngộ.
Ông cho rằng thay vì cấm, cần nhìn vào căn nguyên là rất nhiều nhà giáo phải dạy thêm vì nhu cầu cuộc sống. Khi thu nhập từ lương quá thấp, nhiều người phải dạy thêm để có thêm thu nhập.
"Muốn ngăn chặn dạy thêm ở khía cạnh tiêu cực, cần chăm lo để giáo viên có thu nhập, yên tâm gắn bó với nghề. Cùng với đó là tạo một môi trường để giáo viên được ghi nhận, khích lệ, đối xử tôn trọng và đúng với công sức, đóng góp của mỗi người", GS Nguyễn Mậu Bành nói.
Trong một cuộc thăm dò trên Tuổi Trẻ Online, có đến 63,4% lượt bạn đọc ủng hộ việc đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học. 35,3% ý kiến không ủng hộ.