Lời giải căn cơ mang tên "đối thoại"
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy vẫn nhớ rõ 3 vụ án hành chính mà ông là "đương sự" khi còn là Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái ở nhiệm kỳ trước. Cả 3 vụ đều liên quan đất đai, quá trình giải quyết khiếu nại đã qua nhiều cấp, người dân cuối cùng chọn giải pháp khởi kiện ra tòa. Song điều khiến ông Duy nhớ là 2 trong số 3 vụ án hành chính đã được giải quyết bằng đối thoại.
"Trong đó là một vụ án hành chính thú vị. Chủ tịch UBND tỉnh thuê luật sư, bên khởi kiện cũng thuê luật sư. Hai bên trao đổi, đối thoại với nhau. Tôi nhớ là ngồi suốt một buổi sáng chủ nhật cho đến tận trưa. Cuối cùng thì hòa giải, đối thoại thành và người khởi kiện rút đơn, kết hợp giải quyết quyền lợi của các chủ thể liên quan. Tòa không phải thụ lý, đưa ra xét xử", ông Duy nhớ lại.
Có vụ người dân khiếu nại về chính sách bồi thường thu hồi đất, là cấp giải quyết cuối cùng, trước khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, ông Duy, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, đã mời người dân lên để trao đổi.
"Hai bên đã đối thoại một buổi chiều rất thẳng thắn về vấn đề người dân khiếu nại. Cuối cùng tôi nói hôm nay tôi đã trao đổi với anh tất cả lý lẽ, quan điểm của tôi. Ngày mai tôi sẽ ban hành quyết định sửa một phần quyết định giải quyết khiếu nại của UBND thành phố, nhưng tựu trung lại thì việc giải quyết chế độ bồi thường với anh đã đúng, đủ theo quy định nhà nước. Những nội dung anh đòi hỏi thêm không có cơ sở giải quyết vì những lý do tôi đã nêu. Nếu như anh thấy chưa thỏa đáng, anh còn một giải pháp cuối cùng là khởi kiện ra tòa và tôi ủng hộ anh", ông Duy kể.
Người dân sau đó khởi kiện ra tòa hành chính cấp tỉnh, nhưng theo ông Duy, vụ án cũng kết thúc ngay trong buổi hòa giải, đối thoại đầu tiên tại tòa, trước khi tòa thụ lý, đưa ra xét xử. "Khi người dân đã khởi kiện, chủ tịch UBND thực hiện nghiêm túc việc có mặt để thực hiện hòa giải, đối thoại thì mọi việc sẽ được giải quyết tốt hơn", ông Duy đúc rút.
Những kinh nghiệm của Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy được nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội coi là lời giải căn cơ cho bài toán án hành chính mà ngành tư pháp vẫn "đang lúng túng", "chưa nghĩ ra" câu trả lời.
Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội Vũ Trọng Kim cho rằng các vụ án hành chính theo báo cáo hằng năm đang ngày một tăng. Điều đó cho thấy người dân càng ngày càng ý thức cao hơn về dân chủ, pháp quyền. Tuy nhiên, tình trạng chủ tịch UBND không chịu đối thoại, không dự tòa, cũng không hợp tác cung cấp tài liệu, chứng cứ cho tòa cho thấy "quan trí vẫn chưa theo kịp dân trí".
"Nền hành chính của chúng ta dường như đang có vấn đề", ông Kim nói. Theo ông, "vấn đề" không chỉ ở việc ban hành những quyết định sai mà còn ở tư duy trịch thượng, ban ơn chứ không phải phục vụ người dân đang tồn tại một bộ phận cán bộ, công chức. Và khi người dân khởi kiện ra tòa để đòi hỏi công bằng thì những cán bộ, công chức ấy vẫn mang tư tưởng "con kiến kiện củ khoai", cho rằng không ai làm gì được mình nên mới không sợ, không đối thoại, không dự tòa, rồi đến khi tòa ban hành bản án thì cũng không chịu thực hiện.
"Đúng ra ngay từ khi những quyết định hành chính mà thấy có sự phản hồi, không đồng tình của người dân thì anh phải có bước đầu tiên là đối thoại, giải quyết", ông Kim nói.
Nếu tòa xử nghiêm, xử đúng…
Thừa nhận việc đối thoại, giải quyết ngay từ khâu khiếu nại là giải pháp căn cơ để giảm số lượng án hành chính, song TS Cao Vũ Minh (Trường đại học Kinh tế - luật, Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định việc này không giúp các vụ án hành chính giải quyết nhanh hơn. Bởi lẽ theo ông Minh, việc khởi kiện ra tòa là "cực chẳng đã", sau khi người dân đã trải qua quá trình dài khiếu nại, giải quyết khiếu nại. "Nếu hai bên tìm được tiếng nói chung thì ngay ở giai đoạn này đã có thể thỏa thuận", TS Minh phân tích.
Cạnh đó, theo TS Cao Vũ Minh, việc chủ tịch UBND không tham dự phiên tòa có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, quá nhiều việc cũng có nhưng chây ì, né tránh cũng có. Ông Minh cho rằng không nhất thiết phải tìm mọi cách để buộc chủ tịch hoặc đại diện UBND các cấp phải ra tòa. Xét trên khía cạnh pháp lý, người bị kiện và người khởi kiện đều có quyền vắng mặt như nhau.
"Nếu anh vắng mặt thì tòa vẫn có thể xử, anh sẽ bị mất quyền tự bào chữa, tranh luận, đưa ra quan điểm; hoặc anh không cung cấp chứng cứ để bảo vệ cho quan điểm của mình thì anh sẽ thiệt", ông Minh phân tích.
Theo cách đó, vấn đề mấu chốt nằm ở chất lượng xét xử các phiên tòa hành chính của các tòa án. "Nếu tòa xử nghiêm, xử đúng, thì việc chủ tịch hoặc đại diện UBND có mặt hay không có mặt không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, thực tế thì TAND và UBND cùng địa phương vẫn có mối quan hệ về mặt hành chính, mỗi tòa án đều nằm trên địa bàn hành chính một huyện, tỉnh cụ thể, nên khó tránh khỏi câu chuyện không làm triệt để, rất khó để rạch ròi 100%", ông Minh nói.
Những phân tích của TS Cao Vũ Minh được nhiều chuyên gia pháp lý đồng tình. Thế nhưng, việc nâng cao tính độc lập của thẩm phán cũng như chất lượng các phiên tòa hành chính vẫn còn là câu chuyện dài. Cả Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình lẫn Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí trong lần trả lời chất vấn hồi tháng 3 đều khẳng định sự nể nang, bị tác động của tòa án, Viện kiểm sát từ "ông chủ tịch" là có, dù án hành chính đã được dồn về TAND cấp tỉnh.
Để giải quyết tình trạng nể nang, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, tại dự thảo luật Tổ chức TAND sửa đổi đang trình Quốc hội, dự kiến sẽ xây dựng các tòa án hành chính chuyên biệt. "Ví dụ miền Bắc là 2 - 3 tòa chuyên biệt về án hành chính, chỉ chuyên xử các vụ án hành chính của cấp tỉnh. Điều này sẽ khắc phục được việc nể nang như đại biểu Quốc hội đã nêu", ông Bình nói trước Quốc hội.
Trong khi chờ các tòa chuyên biệt về hành chính được Quốc hội thông qua, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề xuất giải pháp trước mắt là ngoài nâng cao năng lực, trách nhiệm của các thẩm phán thì tăng cường xét xử trực tuyến các vụ án hành chính.
"Với việc xét xử trực tuyến thì các chủ tịch UBND đỡ phải ra tòa, có thể ngồi tại cơ quan và việc này tránh được mặc cảm, vì ít nhiều việc ra tòa cũng khiến mặc cảm nhất định", ông Bình nói.
Coi đối thoại là căn cơ, tại cuộc họp liên ngành Viện KSND và TAND TP.Hà Nội để phối hợp tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án hành chính mới đây, thẩm phán Nguyễn Hồng Lam, Phó chánh tòa hành chính - TAND TP.Hà Nội, đề xuất cần thiết nhân rộng mô hình đối thoại trực tuyến. Như vậy, người dân ít phải đi lại nhiều lần, đại diện cơ quan bị khởi kiện cũng có điều kiện sắp xếp thời gian tham gia đối thoại, chuẩn bị tài liệu đối thoại, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc cho người dân…
Theo ông Lam, nếu người dân thấy những giải đáp của cơ quan chức năng là thỏa đáng thì sẽ tăng tỷ lệ đối thoại thành công, đương sự rút đơn khởi kiện, không cần phải mở phiên tòa để giải quyết.
Nâng cao kỷ luật hành chính
Giải pháp là phải nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính. Rất nhiều chủ tịch UBND không chịu ra tòa, bản án có hiệu lực không chịu thi hành nhưng tới nay chưa xử lý được ai thì rõ ràng là có vấn đề.
Ông Nguyễn Công Long (Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội)
Chưa phân loại trong quy trình
Ngay cả khi có tòa hành chính chuyên biệt, vẫn nên có sự phân loại trong quy định yêu cầu chủ tịch UBND ra tòa. Chẳng hạn vụ nào thực sự cần thiết thì có cơ chế triệu tập buộc phải đến (triệu tập lấy lời khai, thậm chí có thể trực tiếp đến lấy lời khai). Còn vụ nào rõ rồi thì không nhất thiết. Tiêu chí xác định vụ nào cần chủ tịch UBND tỉnh có mặt, vụ nào đã rõ, không cần chủ tịch UBND có mặt sẽ do thẩm phán quyết định dựa trên hồ sơ của vụ án.
Luật sư Trương Xuân Hải (Văn phòng luật sư Gia Bảo, Đoàn luật sư TP.Hà Nội)