Trong các bài viết trước đăng trên Báo Thanh Niên, chuyên gia pháp lý đã phân tích các góc độ xử lý hành chính hoặc hình sự đối với vi phạm của thành viên, admin duyệt bài viết trên những hội nhóm "quái gở".
PGS-TS Trương Văn Vỹ, chuyên gia về xã hội học tội phạm, giảng viên Đại học Quốc gia TP.HCM nhận định các hội nhóm "quái gở" xuất hiện mới gần đây nhưng lại lôi kéo rất nhiều tài khoản là thành viên. Điều này đi đôi với sự bùng nổ của mạng xã hội khi nhiều khía cạnh đời sống của con người ngoài thực tế được "chuyển dịch" lên mạng xã hội, có tốt, có xấu.
Ví dụ như hội nhóm những người từng đi tù có nhiều bài viết chỉ dẫn công việc, cách "phục thiện" nhưng cũng có nhiều bài viết rủ rê làm chuyện xấu. Nhiều người "gặp nhau" ở các hội nhóm rồi rủ nhau đi cướp giật, đây là nơi tiềm ẩn của tội phạm. Một số nhóm lập ra còn để bày nhau cách tự tử. Đây là những hành vi sai lệch xã hội, không đúng chuẩn mực.
"Một hướng tiếp cận của tôi khi giảng dạy xã hội học tội phạm là theo Immanuel Kant (triết gia người Đức), rằng tự tử là sai trái vì mỗi người chỉ có một cuộc đời, ai cũng mong muốn sống, yêu cuộc sống, chứ không phải đi tự tìm cách hủy hoại, giết chết chính mình. Vấn đề tự tử được nói đến rất lâu, nhưng việc lập các nhóm đó rồi bày người khác tham gia cùng mình là nguy hiểm", PGS-TS Trương Văn Vỹ nói.
Đại biểu Lê Minh Đức, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM cho rằng các cơ quan chức năng của TP.HCM, nhất là công an và Sở TT-TT cần khẩn trương phối hợp, vào cuộc để xử lý triệt để những hành vi vi phạm pháp luật như lôi kéo, kích động bạo lực, gây rối trật tự xã hội thông qua mạng xã hội.
"Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự thì phải truy tố ngay để răn đe", ông Đức nêu quan điểm. Bởi theo ông, những động thái mạnh tay của lực lượng chức năng sẽ góp phần hạn chế nguy cơ, ảnh hưởng của các trang mạng độc hại này đến học sinh, thanh niên.
Thời gian qua, xã hội đã chứng kiến nhiều câu chuyện buồn khi những người trẻ bị cuốn vào vòng lao lý, đánh mất tương lai khi tin và làm theo những lời gạ gẫm rủ rê từ các hội nhóm trên mạng xã hội.
Dạy con trẻ ứng xử với mạng xã hội
Đại biểu Lê Minh Đức dẫn chứng hầu hết các vụ trộm cắp, cướp ngân hàng xuất phát từ rủ rê nhau trên mạng, bị công an bắt và đưa ra truy tố, xét xử. Điều đó cho thấy những lời rủ rê làm liều trên mạng đều không mang lại kết quả tốt đẹp.
"Người dùng mạng xã hội, nhất là những bạn trẻ nên dứt khoát từ chối khi bị rủ rê, lôi kéo tham gia các hội nhóm "quái gở" trên mạng xã hội để không bị lôi kéo làm liều rồi vi phạm pháp luật", ông Đức khuyến nghị.
PGS-TS Trương Văn Vỹ cho rằng, về giải pháp vĩ mô cần tăng cường giáo dục, truyền thông. Cụ thể, các cơ quan pháp luật, công an, chính quyền cần theo dõi, nắm bắt sát sao các hội nhóm này để có biện pháp truyền thông cụ thể.
"Theo tôi, bước đầu cần phải tăng cường cảnh báo. Các cơ quan quản lý, nhất là cơ quan công an, an ninh mạng… thời gian qua cũng có nhiều giải pháp truyền thông, tiếp cận trường học để tuyên truyền. Song song đó, cơ quan hữu quan cần làm việc nhiều hơn, tích cực hơn, hướng tới phần nào giảm bớt các trang nguy hại", chuyên gia nói thêm.
Ở cấp độ vi mô, PGS-TS Trương Văn Vỹ nhấn mạnh vai trò gia đình cần quan tâm nhiều hơn đến con trẻ, thanh niên. Đặc biệt, ông cũng nhấn mạnh ý thức, hiểu biết của từng cá nhân, khi tham gia mạng xã hội, nhất là việc biết mình tham gia mục đích gì, hậu quả của việc mình làm như thế nào. Về lâu dài, ông Vỹ cho rằng nên tính tới việc đưa môn học có liên quan về thông hiểu thông tin, bao gồm thông tin trên mạng xã hội vào hệ thống giáo dục.
Chặn nhiều hội nhóm 'quái gở'
Theo Sở TT-TT TP.HCM, hiện cơ quan này được giao quản lý 300 trang mạng xã hội trong tổng số khoảng 1.000 trang do Bộ TT-TT cấp phép. Về thẩm quyền, Sở TT-TT muốn xử lý bất kỳ sự việc nào liên quan phải gửi công văn đến Bộ TT-TT.
Trong khi đó, nhiều trang mạng xã hội ở nước ngoài, không đặt văn phòng tại Việt Nam nên cơ quan chức năng cũng khó quản lý, xử phạt. Chưa kể, nguồn nhân lực tại đơn vị không đáp ứng đủ, còn công cụ, công nghệ hiện chưa theo kịp thực tiễn đề ra, phần mềm quản lý hiện nay tại TP.HCM chỉ mới "lướt" trên bề mặt.
Một cán bộ am hiểu lĩnh vực thông tin điện tử cho biết hầu hết trung tâm dữ liệu của các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube đều đặt ở nước ngoài. Cơ quan chức năng như Sở TT-TT các tỉnh không thể xác định được người lập trang, nhóm trên các nền tảng này cư trú ở đâu để mời lên làm việc.
Mỗi lần phát hiện vi phạm hoặc nghi ngờ có vi phạm thì các Sở TT-TT phải gửi văn bản đề nghị Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (thuộc Bộ TT-TT) xử lý.
Tại cuộc họp báo định kỳ của Bộ TT-TT ngày 6.11, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, cho biết thời gian gần đây, đơn vị nhận được một số phản ánh của cơ quan báo chí về các hội nhóm hướng dẫn tự tử, trong đó có thành viên là trẻ em.
Ngoài ra, đơn vị này đã rà quét và phát hiện 47 hội, nhóm hướng dẫn cách thức "bùng" nợ, quỵt nợ, các chiêu thức đối phó. Sau khi gửi thông tin và yêu cầu phía Facebook chặn, gỡ thì chỉ trong 1 ngày, Facebook đã chặn 8 nhóm, mỗi nhóm có tới hàng chục ngàn thành viên. Còn liên quan đến các hội nhóm "bùng" nợ, Facebook đã chặn 43/47 nhóm theo yêu cầu của Bộ TT-TT.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử mong cơ quan báo chí nếu phát hiện trên các nền tảng xã hội có nội dung tương tự thì thông tin về cục để xử lý nhanh.