Lãnh đạo các quốc gia Ả Rập tới Trung Quốc
Financial Times (FT) đưa tin, phái đoàn ngoại trưởng và các quan chức khác của các nước Ả Rập đã tới Trung Quốc khi lực lượng Israel tiến qua phía Nam và phía Đông thành phố Gaza, nắm quyền kiểm soát hoàn toàn bệnh viện al-Shifa làm dấy lên lo ngại về thảm họa nhân đạo.
Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan, cho biết phái đoàn đang tìm kiếm "một lệnh ngừng bắn ngay lập tức" ở Gaza và "gây áp lực để khởi động một tiến trình nghiêm túc nhằm đạt được hòa bình lâu dài và toàn diện" cũng như đảm bảo cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza.
FT nhận định, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh các nước Ả Rập và Hồi giáo ngày càng thất vọng trước việc Mỹ - nước nổi bật với vai trò làm trung gian ngoại giao lâu đời ở Trung Đông - đã từ chối đưa ra lời kêu gọi ngừng bắn. Cùng lúc đó, Trung Quốc lại đang nỗ lực tăng cường ảnh hưởng của mình ở khu vực này.
Phái đoàn, bao gồm các quan chức Ả Rập Saudi, Jordan, Ai Cập, Indonesia, Palestine và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, tới Bắc Kinh nhằm mục đích gặp gỡ đại diện của tất cả các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị - người tiếp phái đoàn cho biết, nhiệm vụ cấp bách nhất là "đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức" ở Gaza và Bắc Kinh "kiên quyết" ủng hộ "sự nghiệp chính nghĩa của người dân Palestine".
Ông Vương Nghị nói: "Trung Quốc phản đối bất kỳ hành động ép buộc và tái định cư nào đối với thường dân Palestine. Israel nên ngừng trừng phạt người dân Gaza, mở hành lang nhân đạo càng sớm càng tốt và ngăn chặn thảm họa nhân đạo quy mô lớn hơn."
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, tổ chức này kinh hoàng trước vụ tấn công của Israel vào Hamas. Ông Tedros chia sẻ trên mạng xã hội X: "Các nhân viên y tế và thường dân chưa bao giờ phải đối mặt với nỗi kinh hoàng như vậy, nhất là khi họ đang ở trong bệnh viện."
Đại sứ Israel tại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố hôm 20/11 rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nên kêu gọi thả con tin thay vì ngừng bắn.
Hành động của Trung Quốc
Bắc Kinh đã cử một đặc phái viên hòa bình đến thăm nhiều quốc gia Trung Đông vào tháng trước. CNN đánh giá, nước này có tiếng nói mạnh mẽ trong việc thúc đẩy lệnh ngừng bắn ngay lập tức tại Liên Hợp Quốc.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 15/11 đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết kêu gọi tạm dừng giao tranh ở Gaza vì mục đích nhân đạo, để cho phép cung cấp viện trợ nhân đạo và thả các con tin. Mỹ và Anh đã bỏ phiếu trắng với lý do nghị quyết này không lên án lực lượng Hamas.
Trong bình luận hôm 20/11 tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Ả Rập Saudi khen ngợi quyết định của Hội đồng Bảo an, dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc hiện đang là chủ tịch luân phiên.
Mỹ là cường quốc có ảnh hưởng đáng kể tới Israel, trong khi đó, mối quan hệ của Trung Quốc với Trung Đông trong 2 thập kỷ qua đã phát triển đáng kể, chủ yếu thông qua thương mại. Khu vực này vốn là nơi cung cấp dầu khí lớn nhất cho siêu cường châu Á.
FT đánh giá, trong lịch sử, Bắc Kinh không tìm cách thách thức sự thống trị về ngoại giao và an ninh của Washington trong thế giới Ả Rập, nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang tìm cách nâng cao vị thế của mình trong khu vực.
Vào tháng 3, nước này đã làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Ả Rập Saudi và Iran, 2 nước sau đó đã đồng ý khôi phục quan hệ ngoại giao đã bị cắt đứt vào năm 2016.
Bất chấp áp lực quốc tế ngày càng gia tăng, Israel vẫn không nhượng bộ. Thủ tướng Benjamin Netanyahu tối 18/11 cho biết ông sẽ bác bỏ bất kỳ lệnh ngừng bắn nào không đi kèm với việc thả con tin do Hamas bắt giữ. Ông Netanyahu nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi chiến thắng".