Rầm rộ tung khuyến mại, cạnh tranh nhau về giá
Còn 2 ngày nữa là tới Black Friday (24/11) - lễ hội giảm giá lớn nhất năm. Những ngày này, các sàn thương mại điện tử liên tục tung ra các chương trình giảm giá, quảng bá nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Trên trang chủ của Shopee, quảng cáo khuyến mại Black Friday chạy rầm rộ, choán hết màn hình. Tương tự, giao diện Lazada, Tiki cũng nổi bật các dòng chữ về dịp "đại sale" trong năm dù có phần ít nổi bật hơn. Đến mỗi dịp giảm giá lớn, biểu tượng các ứng dụng sàn thương mại điện tử trên điện thoại thông minh cũng thay đổi nhằm tăng tính nổi bật, thu hút sự chú ý của người dùng.
Thông thường, với mỗi dịp giảm giá, các sàn thương mại điện tử đều tung ra các mã giảm giá từ 30.000 đồng cho đến 300.000 đồng vào các khung giờ như 0h, 9h, 12h, 15h, 21h. Khách sẽ được mua hàng với mức giá giảm từ cửa hàng, đồng thời sử dụng thêm các thẻ giảm giá từ sàn thương mại điện tử.
Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, các mặt hàng mỹ phẩm bán trên gian hàng chính hãng của thương hiệu, sàn Lazada có mức giá cạnh tranh hơn so với Shopee và Tiki.
Ví dụ, với sản phẩm son dưỡng môi DHC Lip Cream dưỡng ẩm, làm mềm môi 1,5g có giá gốc 199.000 đồng, sàn Lazada hỗ trợ giảm giá 24% còn 151.000 đồng, Shopee hỗ trợ 17% còn 165.000 đồng.
Tuy nhiên, Shopee có phần có lợi thế hơn về phí vận chuyển khi đưa ra khuyến mại miễn phí vận chuyển cho các đơn hàng từ 0 đồng. Trong đó, với Lazada, khách hàng được giảm 5.000 đồng tới 10.000 đồng khi thanh toán qua ứng dụng ví điện tử. Để được miễn phí vận chuyển, khách hàng cần thao tác thêm một bước tìm kiếm "ưu đãi thanh toán", thay vì hiện sẵn mã giảm giá như ứng dụng Shopee.
Với đồ công nghệ, Lazada cũng có ưu thế về giá. Sản phẩm Máy in laser đa năng Brother DCP-B7535DW được bán trên Shopee với giá 5.684.000 đồng, trong đó Lazada đưa ra ưu đãi 5.388.000 đồng. Các sàn thương mại điện tử đều quảng cáo mua trả góp với lãi suất 0% dành cho những món đồ có giá trị lớn.
Ngọc Anh - thành viên kim cương của Shopee - cho biết thời gian gần đây, Lazada thường xuyên đưa ra các mã giảm giá "khủng" để cạnh tranh với Shopee.
Tuy nhiên, thao tác mua hàng trên ứng dụng Lazada bị đánh giá chưa tối ưu, người dùng phải thực hiện nhiều bước, mã giảm giá không hiện sẵn, khó sử dụng. Với những người lớn tuổi hoặc không thành thạo công nghệ, việc áp dụng các mã giảm giá trên Lazada khá phức tạp.
Khoảng một năm trở lại đây, TikTok Shop là sân chơi khác tham gia cuộc chiến sàn thương mại điện tử với những ưu đãi "đáng gờm". Trong dịp Black Friday lần này, sàn tung nhiều mã ưu đãi giảm 90.000 đồng, giảm 55.000 đồng cho các đơn hàng từ 500.000 đồng và 30.000-40.000 đồng, miễn phí vận chuyển...
Theo nhận xét của người dùng, TikTok Shop có giao diện khá đơn giản, các mã giảm giá xuất hiện ở vị trí trung tâm màn hình, khách hàng dễ dàng thực hiện. Tuy nhiên, sàn thương mại điện tử này còn khá mới nên chưa có nhiều đánh giá, nhận xét về uy tín của các cửa hàng kinh doanh tại sàn này. Do đó, người mua cần tìm kiếm thông tin kỹ càng, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái.
Mua hàng qua "review" của KOC, KOL thì lưu ý gì?
Bên cạnh đó, khoảng 2 năm trở lại đây, khi xu hướng tiếp thị liên kết (affiliate) ngày càng phát triển, việc các sàn thương mại điện tử kết hợp với KOC (Key opinion consumer - người tiêu dùng có sức ảnh hưởng trên thị trường), KOL (Key opinion leader - người có sức ảnh hưởng) để chạy các chương trình giảm giá dần trở nên phổ biến.
Lê Hà Trúc - beauty blogger - là một trong những gương mặt đại diện, KOC thường hợp tác với Shopee, Lazada trong mỗi dịp giảm giá. Bằng việc chia sẻ các câu chuyện cá nhân và lồng ghép sản phẩm, các KOC như Trúc có thể nhận hoa hồng dao động 15-30% tổng giá trị đơn hàng cho một đơn hàng thành công.
Không khó để trở thành một KOC trên nền tảng mạng xã hội. Hiện tại, Shopee, TikTok Shop đều mở các chương trình đăng ký để bất kỳ ai cũng có thể có tài khoản tiếp thị liên kết với những thao tác khá đơn giản.
Tiếp thị liên kết dần trở thành xu hướng, là cách quảng cáo được các sàn thương mại điện tử áp dụng nhiều trong thời gian gần đây. Đây được coi là cách quảng cáo khôn ngoan bởi thông thường, người tiêu dùng thường có thói quen mua sắm theo những gì mà thần tượng của họ chia sẻ. Do vậy, hiệu quả truyền thông đến từ các KOC, KOL đem về doanh thu tương đối tốt cho các sàn thương mại điện tử.
Tuy nhiên, việc này cũng đi kèm với không ít rủi ro. Với những KOC, KOL không có tâm, chia sẻ những sản phẩm không rõ nguồn gốc nhằm hưởng hoa hồng cao sẽ gây ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng. Do vậy, trước khi quyết định mua hàng theo lời quảng cáo của những người có sức ảnh hưởng, người tiêu dùng được khuyên hãy thông thái tìm hiểu kỹ sản phẩm.
Ngoài ra, theo nhiều người bán, tiếp thị liên kết là cuộc chơi của những người bán số lượng lớn. Bởi hiện tại, những người bán hàng trên các sàn thương mại điện tử phải chịu mức phí tương đối cao (khoảng 20%). Do vậy, khi kết hợp với các KOC, KOL để chạy mã giảm giá riêng, người bán sẽ hao hụt khoảng 40-50% giá trị đơn hàng.
Như vậy, không ít người bán chấp nhận bán giá lỗ để chạy theo cuộc đua tiếp thị liên kết và nếu không hiệu quả thì vô hình trung không phải tối ưu.