Trăn trở này được cử tri quận Tân Bình, cũng là một trong các hộ dân thuộc diện di dời khỏi chung cư cũ 350 Hoàng Văn Thụ (gọi tắt là chung cư 350), nêu tại buổi tiếp xúc giữa tổ đại biểu HĐND TP.HCM với cử tri ngày 22-11.
Dân trông nhà, chủ đầu tư thì... chạy nợ
Bà Ngọc Thủy, cử tri phường 15, cho biết gia đình bà tình nguyện di dời khỏi chung cư 350 về tạm cư tại chung cư Tân Trụ gần 7 năm qua nhưng đến nay chờ mãi vẫn chưa được tái định cư. “Phải trả lời cho dân biết chừng nào xây dựng chung cư 350, chung cư đã giậm chân tại chỗ bao nhiêu năm rồi”, bà Thủy nói.
Theo ông Trương Tấn Sơn, phó chủ tịch UBND quận Tân Bình, từ năm 2010, chung cư 350 được TP giao cho Công ty cổ phần Đức Khải Tân Bình làm chủ đầu tư xây dựng mới. Đến nay quyết định thời gian thực hiện dự án đã không còn hiệu lực từ 30-6-2023, do đó chủ đầu tư đang liên hệ Sở Kế hoạch và Đầu tư để gia hạn. Khi được gia hạn thì Sở Tài nguyên và Môi trường mới tham mưu TP giao đất cho chủ đầu tư để khởi công.
Nhưng hiện tại, dự án lại gặp khó khăn liên quan vấn đề quy hoạch, cụ thể năm 2009 khi quận mời gọi đầu tư chung cư có quy mô 18 tầng nhưng theo quy hoạch 1/2000 của quận chỉ là 14 tầng. Vì sự chênh lệch này, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị chủ đầu tư liên hệ với quận lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch. Trên cơ sở giải quyết xong vấn đề quy hoạch mới giải quyết việc gia hạn thời gian thực hiện dự án.
“Quận hết sức chia sẻ với người dân vì người dân chung cư 350 đã tạm cư một thời gian khá dài. Quận cũng đang phối hợp với chủ đầu tư và Sở Quy hoạch - Kiến trúc sớm trình TP điều chỉnh quy hoạch chỗ này lại”, ông Sơn nói.
Trước đó, trong buổi giám sát của Ủy ban Pháp luật Quốc hội với TP.HCM về thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý, vận hành và cải tạo xây lại chung cư trên địa bàn, chủ đầu tư của dự án chung cư 350 cũng đã lên tiếng về những khó khăn khi thực hiện dự án.
Ông Nguyễn Bảo Tùng, giám đốc pháp lý và phát triển dự án Công ty cổ phần Đức Khải Tân Bình, cho biết năm 2010 khi được giao làm chủ đầu tư dự án, công ty ông đã tiến hành bồi thường để di dời 137 hộ dân, bố trí tạm cư cho 20 hộ dân.
Công ty cũng đã hoàn tất các thủ tục, từ thủ tục chủ trương đầu tư đến chi trả chi phí tiền tạm cư cho người dân… Nhưng sau 13 năm doanh nghiệp vẫn chưa được thành phố giao đất để thực hiện.
Dự án không thể triển khai, doanh nghiệp rơi vào khó khăn, phải chạy nợ để trả lãi ngân hàng, quay vòng đáo hạn, người dân cũng bất bình vì phải tạm cư hơn 7 năm (theo cam kết chỉ 2 năm).
Phân định rõ trách nhiệm trong xây dựng mới chung cư cũ
Thực chất đây là một trong những khó khăn, khiến chương trình di dời, cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP.HCM giậm chân tại chỗ nhiều năm qua. Lãnh đạo TP.HCM cũng cho rằng khó khăn khi đầu tư xây dựng lại chung cư cũ đến từ các thủ tục chấp thuận đầu tư, thu hồi đất, giao đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư do việc áp dụng Luật Nhà ở, pháp luật đất đai và pháp luật đầu tư còn chồng chéo, chưa có sự đồng bộ.
Trong khi đó, xung đột giữa quy định về ưu đãi đầu tư xây dựng lại chung cư với quy định pháp luật về thuế, thực hiện nghĩa vụ tài chính, dẫn đến một số dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ không đảm bảo hiệu quả kinh tế, khó mời gọi nhà đầu tư.
Dù TP.HCM nêu rõ những điểm khó nhưng đại diện đoàn giám sát của Ủy ban Pháp luật Quốc hội nhìn nhận khi đoàn làm việc với nhiều doanh nghiệp tham gia vào công tác vận hành, sửa chữa, cải tạo nhà chung cư trên địa bàn TP, đã nhận nhiều phản ánh khó khăn, vướng mắc. Nhưng có nhiều dự án chậm triển khai nhiều năm không phải do lỗi của doanh nghiệp.
Đoàn yêu cầu TP phải có báo cáo cụ thể, nêu rõ những khó khăn vướng mắc, đặc biệt phân định rõ trách nhiệm cụ thể của từng sở, ngành, địa phương trong công tác thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý, vận hành và cải tạo xây lại chung cư. Xác định trách nhiệm sở, ngành nếu làm chậm hồ sơ cho doanh nghiệp.
Theo phản ánh, hầu hết các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại TP.HCM có những dự án đã triển khai hơn 10 năm nhưng vẫn chưa được phê duyệt phương án bồi thường.