Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) vừa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc thế giới sẽ cần tuyển dụng khoảng 500.000 đến 600.000 phi công trong hai thập kỷ tới vì số lượng máy bay sẽ tăng gấp đôi vào 2044.
Theo số liệu Boeing công bố vào tháng 6, tổng máy bay toàn cầu sẽ đạt 48.575 chiếc trong vòng 20 năm tới, so với 24.500 chiếc hiện nay. Airbus cũng dự báo tương tự. Một loạt đơn đặt hàng lớn từ các hãng hàng không hàng đầu thế giới đang chứng thực cho tương lai này.
Tại Triển lãm hàng không Dubai kết thúc hôm 17/11, Emirates gây xôn xao dư luận với quyết định mua 90 máy bay đường dài Boeing 777X giá 52 tỷ USD, cộng với 15 chiếc Airbus A350 với giá 5,5 tỷ USD.
Trước đó, hồi tháng 6, tại Triển lãm hàng không Paris, Airbus thu hút chú ý với đơn đặt hàng "lịch sử" đến 500 chiếc Airbus A320 giá 44 tỷ euro từ Air India. Hãng này cũng đạt thỏa thuận cơ bản về việc mua 355 máy bay Airbus với mức giá 53 tỷ euro với Turkish Airlines.
Marc Rochet, Chủ tịch của Air Caraïbes và hãng hàng không giá rẻ French Bee, cho biết sự gia tăng ổn định về số lượng máy bay thương mại vốn đã gây ra "áp lực tuyển dụng" phi công thời gian qua.
Thiếu phi công lần đầu trở nên rõ nét khi các chuyến bay đường dài bắt đầu hồi phục khỏi thời kỳ suy thoái do Covid. Nguyên nhân là để đi đến các địa điểm xa xôi đòi hỏi rất nhiều đội bay. Theo Alexandre Blanc, Phó chủ tịch điều hành hoạt động bay Air France, cần 5 phi hành đoàn - tức 10 phi công để phụ trách một máy bay đi tầm trung và đến 21-24 phi công cho một máy bay đường dài.
Yêu cầu tránh xa Nga do xung đột Ukraine càng kéo dài các đường bay từ châu Âu đến châu Á và Nhật Bản thêm hai giờ. "Chúng tôi đang vượt quá giới hạn chuyến bay 13,5 giờ, buộc các hãng hàng không phải tăng số lượng phi công trên mỗi phi hành đoàn từ 3 lên 4", ông Alexandre Blanc nói thêm.
Guillaume Hue, Chuyên gia hàng không tại công ty tư vấn Archery Strategy Consulting, nói thiếu phi công đã là một vấn đề hiện hữu. "Vấn đề này hạn chế việc mở rộng của các hãng hàng không còn hơn cả việc thiếu máy bay", ông nói.
Bất chấp những cảnh báo này, hệ thống đào tạo phi công toàn cầu vẫn chưa điều chỉnh các quy trình để đáp ứng các dự đoán của IATA. Tại Toulouse (Pháp), tổng cộng 23 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm từ Trường Hàng không Dân dụng Quốc gia (ENAC), theo Kirsty Benet-Scott, Phụ trách quản lý tuyển dụng và thi tuyển. Bà nói vẫn sẽ không có gì có thể thay đổi đối với kỳ thi năm 2024, tức vẫn chỉ có 23 người được chấp nhận trong số 1.200 ứng viên phi công.
Bản thân Air France đào tạo 150 đến 200 phi công mỗi năm, theo Blanc. Tuy nhiên, con số này không đủ đáp ứng nhu cầu của hãng. Sau khi tuyển 424 phi công vào năm 2022, Air France thuê khoảng 500 phi công vào năm 2023 và sẽ duy trì tốc độ này vào năm 2024. Những đợt tuyển dụng này có liên quan đến sự phục hồi sau Covid và sự gia tăng các đường bay.
Tại Mỹ, các phi công đã biến sự thiếu hụt thành lợi thế. Mùa hè vừa qua, United Airlines và American Airlines đã phải đồng ý tăng lương. Riêng United Airlines chấp nhận tăng đến hơn 40%. Nhưng tình trạng thiếu phi công sẽ sâu sắc nhất ở những khu vực được mua nhiều máy bay nhất, cụ thể là châu Á và vùng Vịnh.
Ở hai nơi này, đã có làn sóng di cư của các phi công nước ngoài đến để tìm việc làm trước đại dịch. "Rất nhiều phi công Mỹ đã rời Trung Quốc và vùng Vịnh để quay trở lại Mỹ sau cuộc khủng hoảng", Blanc cho biết.
Cả Rochet và Blanc dự báo sự khan hiếm sẽ đè nặng hơn lên các hãng hàng không nhỏ, nơi có mức lương thấp hơn và cơ hội thăng tiến hạn chế hơn. Tuy nhiên, các hãng hàng không giá rẻ không nhất thiết gặp bất lợi. Bởi vì họ chỉ hoạt động trên các tuyến bay trung bình nên cho phép phi công về nhà vào mỗi buổi tối, đồng thời đưa ra mức lương tương tự các hãng hàng không lớn.
Một giải pháp cho tình trạng thiếu phi công có thể nằm ở công nghệ. Airbus và Boeing đều đang phát triển hệ thống vận hành buồng lái chỉ cần một phi công. Nói cách khác, một chiếc máy bay chỉ có một phi công điều khiển. Tuy nhiên, điều này sẽ đòi hỏi những thay đổi trong quy định và sự chấp nhận của phi công cũng như hành khách.
Phiên An (theo Le Monde)