Trong khi đó, chuyên gia khuyến cáo tình trạng ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nói chung, đặc biệt là đối với người già, phụ nữ có thai, trẻ em và những người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch…
Có nơi đo được chất lượng không khí ở mức nguy hại
Cụ thể, trạm quan trắc đo lúc 8h ngày 23-11 nhiều khu vực trung tâm Hà Nội có chất lượng không khí ở mức xấu như: Đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm), công viên hồ Thành Công (quận Ba Đình), đường Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm)…
Ngoài ra theo Cổng thông tin quan trắc môi trường (thuộc Cục Kiểm soát môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), một số nơi ở Bắc Ninh có chất lượng không khí rất xấu, thậm chí còn ở mức nguy hại.
Cụ thể, đo tại UBND huyện Yên Phong có chất lượng không khí rất xấu, còn UBND xã Đại Đồng (huyện Tiên Du) thì ở mức nguy hại. Đối với chất lượng không khí ở mức nguy hại, cơ quan chức năng cảnh báo toàn bộ người dân đều bị ảnh hưởng tới sức khỏe.
Người mắc bệnh hô hấp cần cẩn trọng khi chất lượng không khí xấu
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Vũ Văn Giáp - phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết chất lượng không khí xấu, khói bụi trong môi trường nhiều thì người ảnh hưởng đầu tiên và rõ rệt nhất là người có sẵn bệnh lý về hô hấp.
"Người bệnh sẽ thấy khó thở nhiều hơn, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của đợt cấp sẽ xuất hiện. Do vậy những người đã mắc bệnh về hô hấp không nên ra ngoài khi không có việc thật sự cần thiết trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng", ông Giáp cho biết.
Ông Giáp cho biết thêm: "Với bệnh nhân hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần phải tuân thủ, duy trì thuốc hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ. Khi có các dấu hiệu hoặc triệu chứng khó chịu, khó thở cần phải tăng liều thuốc giãn phế quản theo hướng dẫn của bác sĩ".
Để phòng tránh nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, ông Giáp cho biết người mắc các bệnh hô hấp khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh khói từ các phương tiện giao thông, bụi từ các công trình xây dựng hoặc các mùi hắc khó chịu.
Người bị hen phế quản hoặc nhiễm trùng đường hô hấp không nên đi ra đường
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hồng - trưởng khoa bệnh phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi trung ương - cho hay trong những thời điểm ô nhiễm, tốt nhất những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người bị hen phế quản hoặc nhiễm trùng đường hô hấp không nên đi ra đường. Kể cả những hoạt động ngoài môi trường như tập thể dục buổi sáng, đi dạo buổi chiều đều không tốt cho sức khỏe.
"Với những người bình thường nói chung, khi bắt buộc phải lưu thông trên đường, nên tự bảo vệ mình bằng khẩu trang, kính mắt…. Dù bụi PM2,5 (bụi mịn) khẩu trang thông thường không thể phòng tránh được, nhưng khẩu trang sẽ hạn chế phần nào bụi khói khi bạn lưu thông.
Những người bệnh mãn tính, tim mạch, hô hấp hoặc người có bệnh nền nếu thấy bất cứ triệu chứng ho, khó thở tăng lên, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám", trưởng khoa bệnh phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi trung ương khuyến cáo.
Sương mù là hiện tượng thời tiết phổ biến, nhưng cũng có thể gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe nếu không được chú ý. Chính khi sương mù được trộn lẫn với các chất ô nhiễm khác, nó sẽ trở nên nguy hiểm cho sức khỏe của bạn.