Nhạc sĩ - cha đẻ tinh thần của các ca khúc - không khỏi buồn lòng khi nghe khán giả, thậm chí là ca sĩ hát sai lời các sáng tác, khiến thông điệp người nhạc sĩ truyền tải không trọn vẹn.
Ít ai biết Đời tôi cô đơn có tên đúng là Người yêu cô đơn
Đời tôi cô đơn - một ca khúc rất quen thuộc với người yêu nhạc bởi giai điệu phù hợp với tâm trạng của nhiều người khi gặp vấn đề trong chuyện tình cảm.
Tuy nhiên nhạc sĩ Đài Phương Trang - người sáng tác ca khúc này - khẳng định tên chính xác của ca khúc này là Người yêu cô đơn.
“Bây giờ ít ai giới thiệu Người yêu cô đơn lắm, MC cứ hay giới thiệu tên ca khúc là Đời tôi cô đơn. Đến ca sĩ hát câu đầu tiên 'Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn’, tôi nghe câu đó choáng váng liền.
Văn phong, chữ nghĩa Việt Nam không có như thế. Tôi viết chính xác là: “Đời tôi cô đơn nên bao năm qua vẫn cô đơn”. Như thế, câu mới có ý nghĩa” - ông Đài Phương Trang giải thích.
Nhạc sĩ Đài Phương Trang chia sẻ thẳng thắn rằng ‘bị choáng váng’ khi nghe mọi người hát sáng tác của ông ‘Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn’.
Mọi người lấy bốn chữ đầu tiên của ca khúc rồi tự đặt tên cho bài hát.
Nhạc sĩ Đài Phương Trang nói thêm: “Mỗi lần tôi đi lãnh tiền tác quyền, các em, các cháu hay nói chú có nhiều bài cô đơn quá. Tôi bảo không có, tôi chỉ có một bài Người yêu cô đơn”.
Nhiều ca sĩ hát sai lời Bài thánh ca buồn
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ - tác giả ca khúc Bài thánh ca buồn - cho biết hầu hết các ca sĩ đều hát sai lời ca khúc này.
“Trong Bài thánh ca buồn, tôi có viết: "Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt” nhưng thường ca sĩ sẽ hát: "Long lanh/Lung linh sao trời đẹp thêm đôi mắt”.
Một câu khác tôi viết: “Cùng nhau quỳ dưới chân chúa cao sang” vì trong đạo Công giáo có lễ hôn chân chúa nhưng nhiều ca sĩ cũng hát không chính xác câu này.
Câu “Ôi giọng hát em mênh mang buồn” mới đúng, chứ không phải “mênh mông buồn" như nhiều người hát” - nhạc sĩ Nguyễn Vũ nêu ra những điểm sai thường gặp.
Bài Thánh Ca Buồn - Đàm Vĩnh Hưng | Official Music Video
“Áo trắng thay màu” chứ không phải “áo trắng phai màu”. Nam nhạc sĩ giải thích “Áo trắng thay màu có nghĩa tượng trưng cho lòng trinh bạch để đổi lấy màu đỏ”.
Một câu hát khác: “Em theo cầu xác pháo theo sau” nhưng ca sĩ hát “xác pháo bay sau” như thường nghe thấy.
Đặc biệt câu hát bị sai nhiều nhất: “Rồi những đêm thế trần đón Noel”. Trong khi đó nhiều người hát “giáo đường/thánh đường đón Noel”, như thế sẽ lặp từ trong chính câu hát này.
"Đêm Noel không phải là đêm của những người có đạo nữa, mà cả thế giới, theo đạo nào cũng có thể chung vui” - nhạc sĩ Nguyễn Vũ giải thích cách dùng từ của ông đưa vào bài hát.
Nhiều năm qua khán giả nghe lời bài hát Bài thánh ca buồn sai so với bản gốc thành quen tai. Giờ đây, có ca sĩ hát đúng lời có thể bị khán giả cho là hát sai lời.
"Bài thánh ca buồn là một trong những sáng tác được hát đi hát lại qua rất nhiều mùa Giáng sinh.
Ai hát nhạc của tôi, tôi cũng thích cả. Kể cả những lần tôi đi tập thể dục thấy một nhóm ngồi hát tôi cũng rất vui” - nhạc sĩ Nguyễn Vũ chia sẻ.
TTO - Thời gian qua, nhiều người có lẽ vì chưa hiểu sâu xa ý tứ bài hát Tự nguyện nên đã hát sai, chữ 'nếu là người' bị mất chữ 'nếu', 'cắm cao' thành 'phất cao'...