Sáng 23-11, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức tọa đàm “Xây dựng, đề xuất cơ chế chính sách huy động chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia tư vấn, xây dựng và phản biện chính sách TP.HCM”.
Huy động chất xám nghiên cứu chính sách từ cơ chế thị trường
TS Võ Kim Cương - nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM - nêu vấn đề về cách thức lựa chọn đội ngũ chuyên gia. Mượn câu chuyện ai là người tham mưu cho cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời ông Johnathan Hạnh Nguyễn góp công mở đường bay từ Việt Nam sang Philippines, ông Cương cho rằng việc nghiên cứu thông tin đầu tiên về chuyên gia rất quan trọng, bởi thực tế nhiều chuyên gia đề xuất đề tài và Nhà nước chi tiền cho làm, nhưng làm xong vẫn không được áp dụng.
Cho nên người được “đặt hàng” phải làm sao thể hiện bức xúc thật sự với các vấn đề hiện hữu của xã hội và bức xúc đó sẽ được giải quyết bằng chất xám, lúc đó chất xám mới có giá trị. “Mình đang nghĩ đến việc làm sao để nhà khoa học sống được, nhưng cũng cần phải xem việc sống được có đem lại hiệu quả thật sự bằng chất lượng nghiên cứu khoa học không hay làm đề tài, nghiệm thu xong lại treo lên đó, nhà khoa học sống được nhưng đất nước nghèo đi”, ông Cương nói.
Theo ông Cương, khi huy động chất xám, cần nghiên cứu các chính sách trong cơ chế thị trường, từ thực tiễn thị trường đặt ra và đáp ứng được nhu cầu gì của thị trường.
TS Phạm Trần Hải - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cũng nói về cơ chế giới thiệu và đề cử chuyên gia, phải làm rõ tại sao chọn người nào đó là chuyên gia, bởi trong một số trường hợp có thể mời chuyên gia vì “quen biết”.
Bà Nguyễn Thị Thu Lan - phó trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở Y tế - cho rằng tiêu chuẩn chọn chuyên gia nên phân làm 2 gồm tiêu chuẩn chung cơ bản và tiêu chuẩn riêng theo ngành nghề, lĩnh vực. Để xác định một người là chuyên gia cũng cần xác định đề tài nghiên cứu họ đề ra ở lĩnh vực nào để có tiêu chuẩn cụ thể.
Ngoài ra có thể đưa đề bài để thu hút chuyên gia chủ động đăng ký, để có nhiều nhóm chuyên gia cùng tham gia, từ đó tăng sự cạnh tranh và phản biện để TP có thể xem xét lựa chọn về tính khả thi.
Với các ý kiến trên, theo ông Phạm Bình An - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP, cơ chế giới thiệu cũng là điều nhóm nghiên cứu rất quan tâm, bởi nếu giới thiệu không chính xác thì nhóm tư vấn cho công việc sẽ không hiệu quả.
Hiện nay việc kêu gọi chuyên gia của TP đang đi theo “thói quen”, như TP.HCM đang ưu tiên sử dụng mạng lưới từ Đại học Quốc gia. “Việc sàng lọc biết được nhóm nào mạnh rất quan trọng, việc này chắc chắn sẽ cải thiện từng bước và tương lai sẽ hoàn thiện cơ chế này”, ông An nói.
Cả một chính sách chỉ thu hút được 5 chuyên gia
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP cho rằng vấn đề thu hút và huy động chuyên gia trong thời gian qua thực sự chưa hiệu quả bởi TP đang tập trung vào thu hút chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau, ở các thời kỳ khác nhau. Nhưng khi thu hút là “di chuyển” cả một con người vào trong hệ thống thì phải lo từ visa đến ăn ở, các chế độ và nhiều vấn đề lâu dài phức tạp… Đã có những giai đoạn cả một chính sách chỉ thu hút được 5 người.
Vì vậy, TP đặt ra cho đề tài lần này là huy động chất xám của các chuyên gia ở khắp nơi để giải quyết các vấn đề chính sách phát triển cho TP. Về cơ bản TP có những bài toán đặt ra cụ thể và bài toán này cần được các chuyên gia trong và ngoài nước giải quyết.
Những cơ chế, chính sách từ nghị quyết 98 rất mở, rất rõ về các định mức theo thẩm quyền của UBND TP. Tuy nhiên khi đề xuất thì hiện tại lĩnh vực xây dựng chính sách, nghiên cứu chủ trương chính sách vẫn là khoảng trống. Chưa có quy định cụ thể trong lĩnh vực này, mà mới chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghệ ưu tiên. Đề tài nghiên cứu của viện lần này cũng sẽ đi theo các nội dung, phương thức của nghị quyết đặt ra.
TTO - Từ năm 2019 đến nay, TP.HCM chỉ thu hút được 5 chuyên gia, nhà khoa học theo chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực trong giai đoạn 2019 - 2022.