Sau khi bật tăng khi xung đột khu vực Trung Đông nổ ra, giá dầu đã quay đầu giảm trở lại từ giữa tháng 9/2023 tới nay. Trong đó, thống kê từ ngày 14/9 đến ngày 22/11, giá dầu Brent đã giảm 11,8%, từ 92,94 USD/thùng, về 81,96 USD/thùng.
Mới đây, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã lùi cuộc họp sang ngày 30/11 thay vì ngày 26/11 như dự kiến trước đó. Các đại biểu cho biết, họ đang cần thêm thời gian khi Angola và Nigeria không hài lòng với các mục tiêu sản lượng thấp hơn.
Jan Stuart, nhà kinh tế năng lượng toàn cầu tại Piper Sandler & Co. cho biết: “Việc dời một cuộc họp như vậy là một vấn đề lớn”.
Việc bất đồng quan điểm nảy sinh từ tháng 6, khi Ả Rập Xê Út thúc đẩy Angola, Congo và Nigeria chấp nhận giảm mục tiêu sản lượng cho năm 2024. Các quốc gia châu Phi này đã phải vật lộn trong những năm gần đây với tình trạng thiếu đầu tư, gián đoạn hoạt động và các mỏ dầu đã cũ.
Các quốc gia đã miễn cưỡng chấp nhận hạn ngạch mới với lời đề nghị họ sẽ được điều chỉnh sản lượng cao hơn một lần nữa nếu cuộc kiểm toán bên ngoài của ba công ty – Rystad Energy A/S, Wood Mackenzie Ltd. và IHS – chứng minh được năng lực của họ lớn hơn.
Nigeria gần đây đã cho thấy nước này có thể vượt qua những giới hạn mới về sản xuất. Theo dữ liệu từ ban thư ký OPEC, nước này đã bơm 1,416 triệu thùng/ngày vào tháng trước, cao hơn 36.000 thùng/ngày so với mục tiêu cho năm 2024.
Giá dầu Brent giảm mạnh từ giữa tháng 9/2023 tới nay và vẫn tiếp tục xu hướng giảm |
Là một phần của thỏa thuận đã được thống nhất vào tháng 6, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã đảm bảo quyền tăng sản lượng một cách khiêm tốn trong tháng 1 để triển khai các đợt bổ sung công suất gần đây.
Mặt khác, ngày họp sửa đổi là 30/11 sẽ trùng với ngày đầu tiên của cuộc đàm phán về khí hậu COP28 của Liên hợp quốc diễn ra tại thành phố Dubai của UAE. Các đại biểu nói rằng không chắc liệu cuộc họp mặt sẽ diễn ra muộn ở Vienna như dự kiến ban đầu hay được tổ chức dưới dạng cuộc họp trực tuyến.
Việc không có thỏa thuận OPEC+ về sản xuất trong năm tới sẽ khiến thị trường dầu mỏ toàn cầu rơi vào tình thế bấp bênh.
Giá dầu đã giảm khoảng 16% so với mức đỉnh tháng 9 trong bối cảnh sản lượng của Mỹ tăng mạnh đáng ngạc nhiên, trong khi Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - đã chứng kiến lợi nhuận lọc dầu giảm và các chỉ số kinh tế chững lại. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các thị trường thế giới sẵn sàng quay trở lại trạng thái thặng dư vào đầu năm tới do tăng trưởng nhu cầu chậm lại đáng kể, trong khi các nhà sản xuất như Mỹ và Guyana tiếp tục tăng sản lượng.
Đồng thời, nguồn cung của Iran đã phục hồi khi Mỹ nới lỏng việc thực thi các lệnh trừng phạt và xuất khẩu dầu của Nga giữ ổn định khi nước này bơm nhiều hơn hạn ngạch OPEC+.
Sự sụt giảm của giá dầu đã mang lại sự nhẹ nhõm cho người tiêu dùng đang bị siết chặt bởi lạm phát tăng cao trong nhiều năm, nhưng nó gây ra sự không hài lòng cho các nhà xuất khẩu như Ả Rập Xê Út.
Pierre Andurand, nhà kinh doanh dầu mỏ nổi tiếng và là người sáng lập Andurand Capital Management cho biết: "Tăng trưởng nhu cầu rất mạnh nhưng có nhiều nguồn cung hơn dự kiến nên OPEC+ cần cắt giảm sản lượng. Ả Rập Xê Út có thể sẽ muốn các nước khác cũng cắt giảm sản lượng… Sẽ có một cuộc đàm phán”.