NIM quý III giảm còn 3,3%
Từ giữa tháng 8 đến nay, thị trường chứng khoán có diễn biến trồi sụt, VN-Index sau khi dao động mạnh quanh ngưỡng 1.200 điểm đã lùi xuống dao động mạnh quanh ngưỡng 1.100 điểm, định giá P/E giảm xuống còn hơn 13 lần, thấp hơn mức trung bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay (trên 14 lần).
Theo các chuyên gia phân tích, mặt bằng định giá của VN-Index chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi 2 nhóm cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất là ngân hàng và bất động sản. Hai nhóm này đang có P/E lần lượt là gần 9 lần và hơn 14 lần. Trong đó, mặt bằng định giá nhóm ngân hàng ở mức hấp dẫn, nhất là khi hệ số P/B trượt 12 tháng tiệm cận mức -1 lần độ lệch chuẩn so với bình quân giai đoạn từ năm 2010 đến nay (1,4).
“Kết quả kinh doanh kém đi trong các quý gần đây và triển vọng lợi nhuận chưa thực sự khả quan khi áp lực nợ xấu gia tăng và tăng trưởng tín dụng chững lại, khiến nhà đầu tư khá thận trọng với nhóm cổ phiếu ngân hàng”, chuyên gia của FiinGroup nhận định.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, nhà đầu tư cổ phiếu ngân hàng nên quan tâm đến hệ số NIM. Nếu NIM là số dương, tức ngân hàng hoạt động có lãi. Số dương càng lớn thì khả năng sinh lời càng cao, khả năng đầu tư có lời càng lớn.
“NIM là thước đo hiệu quả nhằm đánh giá được khả năng sinh lời từ một dòng tiền của ngân hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Ông Vũ Mạnh Hùng, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, tổng NIM của 25 ngân hàng niêm yết trong quý III/2023 là 3,32%, giảm 0,47% so với cùng kỳ; trong đó, 22 ngân hàng có NIM giảm so với cùng kỳ.
Nguyên nhân chính khiến NIM bị thu hẹp là chi phí vốn giảm chậm, do tác động trễ của việc hạ lãi suất huy động, trong khi lãi suất cho vay chịu áp lực giảm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, cũng như ngân hàng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng “chất lượng” để cho vay.
Mặc dù bức tranh chung về NIM khá tiêu cực trong quý III/2023, nhưng một số ngân hàng giữ được mức NIM ổn định so với quý II hoặc cùng kỳ như VietinBank, VIB, MB. Trong đó, VietinBank và VIB tận dụng việc cho vay liên ngân hàng với tỷ trọng cao so với cùng kỳ trong cơ cấu nguồn vốn để giảm chi phí vốn (COF).
Quý III/2023, NIM của VietinBank giảm 0,23% so với cùng kỳ, nhưng không thay đổi so với quý II. Tương tự, NIM của MB là 5,03%, giảm 0,74% so với cùng kỳ, nhưng không thay đổi so với quý II. NIM của VIB giảm 0,3% so với quý II, nhưng giữ nguyên so với cùng kỳ. Với Sacombank, ngân hàng này không còn áp lực từ lãi dự thu nên NIM được cải thiện mạnh mẽ.
Trong khi đó, NIM quý III của các ngân hàng có tỷ trọng sở hữu trái phiếu doanh nghiệp cao giảm nhiều nhất, như NIM của VPBank giảm còn 3,8%, NIM của Techcombank giảm còn 4,3% (cùng kỳ là 5,2%).
Chi phí vốn thấp hơn
Tổng NIM của 25 ngân hàng niêm yết trong quý III/2023 là 3,32%, giảm nhẹ so với quý II và giảm 0,47% so với cùng kỳ.
Tuần qua, VIB triển khai chương trình cho vay khách hàng cá nhân có mục đích trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác, với lãi suất ưu đãi 0% trong tháng đầu tiên, sau đó áp dụng theo lãi suất hiện hành.
Hiện tại, VIB đang áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi từ 5,5%/năm đối với khách hàng cá nhân vay vốn kinh doanh, từ 6%/năm đối với khách hàng vay mua ô tô và từ 7,5%/năm đối với khách hàng vay mua bất động sản, xây dựng, sửa chữa nhà.
Trước đó, SHB giảm tới 2%/năm lãi suất cho vay đối với các khách hàng hiện hữu. Ngân hàng này đã dành 5.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất từ 6,97%/năm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động ngắn hạn và dành 1.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vay mua ô tô, thời gian vay từ 36 tháng trở lên. Riêng khách hàng là doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, SHB triển khai gói 50 triệu USD với lãi suất từ 4,8%/năm.
Xung quanh câu chuyện lãi suất, Phó tổng giám đốc Techcombank Phùng Quang Hưng cho biết, lãi cho vay mua nhà của Ngân hàng hiện giảm khoảng 3%/năm so với đầu năm, xuống phổ biến còn 7 - 8%/năm, tùy sản phẩm. Đối với cho vay doanh nghiệp bất động sản, lãi suất giảm từ 2 - 2,5%/năm.
Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cho hay, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng đã thực hiện 10 lần giảm lãi suất huy động và cho vay. Trong đó, lãi suất cho vay có mức giảm trên 2%/năm.
Diễn biến trên thị trường cho thấy, những khoản huy động từ năm ngoái với lãi suất cao, trong khi liên tục phải giảm lãi suất cho vay đã khiến ngành ngân hàng thu hẹp lợi nhuận. Tuy nhiên, có một tín hiệu tích cực là COF trong quý III/2023 giảm 0,33% so với quý II, lần giảm đầu tiên so với quý liền trước kể từ quý I/2022.
Theo ông Vũ Mạnh Hùng, COF giảm chủ yếu nhờ nguồn huy động chi phí thấp bắt đầu có hiệu quả và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao hơn (18,9% cuối quý II/2203 so với 8,1% cuối quý II/2022).
Kỳ vọng, COF trong quý IV sẽ giảm thêm, nhờ tiền gửi chi phí thấp có khả năng chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng (lãi suất tiền gửi đã giảm 0,4 - 1,0%/năm ở tất cả các kỳ hạn trong quý III/2023). Mặc dù vậy, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng còn yếu, NIM có thể không cải thiện ngay.
Bên cạnh đó, sự phân hóa về NIM sẽ tiếp tục diễn ra giữa các ngân hàng vào cuối năm 2023. Nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối có thể ghi nhận mức lãi suất cho vay giảm ít hơn nhóm ngân hàng tư nhân vì đã sớm thực hiện giảm lãi suất cho vay theo chủ trương hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, nhóm này được cho là có lợi thế về NIM, do chi phí huy động vốn giảm mạnh, trong khi lãi suất đầu ra giảm ít hơn.
“Chúng tôi tin rằng, một số ngân hàng sở hữu tỷ trọng cho vay cá nhân cao và tỷ lệ huy động bằng đồng USD thấp sẽ có cơ hội cải thiện NIM tốt hơn so với các ngân hàng khác. Nhìn xa hơn, năm 2024, NIM sẽ có khả năng phục hồi nhờ nhu cầu tín dụng quay trở lại cùng với sự tăng trưởng kinh tế”, ông Vũ Mạnh Hùng nói.