Ngày 23/11, VKSND TPHCM đã ban hành cáo trạng, truy tố bị can Diệp Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM - Saigon Co.op) và 4 đồng phạm về tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ.
Liên quan tới vụ án, bị can Trần Trung Liệt (62 tuổi, cựu Kế toán trưởng Saigon Co.op) và 3 đồng phạm bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Năm 2016, sau khi Saigon Co.op được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương, ông Diệp Dũng đã ký công văn gửi nhà đầu tư thông báo huy động vốn để mua lại chuỗi Big C Việt Nam. Tài khoản huy động vốn của Saigon Co.op tại một ngân hàng ở Sài Gòn đã nhận được 3.000 tỷ đồng từ các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, cuối tháng 5/2016, Saigon Co.op đấu giá mua Big C bất thành nhưng nhà đầu tư không rút tiền.
Kết quả điều tra xác định, tháng 7/2016, ông Diệp Dũng chỉ đạo bà Hồ Mỹ Hòa (44 tuổi, cựu Giám đốc tài chính Saigon Co.op) thực hiện thủ tục lấy 1.000 tỷ đồng trong tổng số 3.000 tỷ đồng từ tài khoản huy động vốn của công ty để đầu tư. Quá trình thực hiện, bị can Hòa báo cáo miệng cho Nguyễn Thành Nhân (47 tuổi, cựu Tổng giám đốc Saigon Co.op) và được ông đồng ý cho thực hiện theo chỉ đạo của Dũng.
Tháng 8/2016, ông Dũng với danh nghĩa Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op đã tự ý ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Đại Á số tiền 300 tỷ đồng, Đô Thị Mới 700 tỷ đồng (mà không thông qua HĐQT).
Ông Dũng sau đó ký ủy nhiệm chi chuyển 1.000 tỷ đồng từ tài khoản huy động vốn của Saigon Co.op sang một tài khoản khác của công ty. Tiếp đó, ông này ký ủy nhiệm chi chuyển lần lượt 300 tỷ và 700 tỷ đến tài khoản của Công ty Đại Á và Đô Thị Mới để thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư.
Theo thỏa thuận, Saigon Co.op được nhận tỷ lệ lợi nhuận cố định là 7%/năm, thời hạn 3 tháng và được thanh toán (gốc + lãi) vào cuối kỳ hợp tác. Sau khi nhận được tiền từ Saigon Co.op, Tôn Thất Hào (57 tuổi, Giám đốc Công ty Đại Á) và Võ Thành Trung (45 tuổi, Giám đốc Công ty Đô Thị Mới) mang đi gửi tiết kiệm tại ngân hàng nhận được hơn 9,4 tỷ đồng tiền lãi.
Hết thời hạn 3 tháng hợp tác, Hào và Trung tiếp tục sử dụng tiền của Saigon Co.op ký hợp đồng đầu tư với các công ty khác. Từ tháng 11/2016 đến tháng 11/2017, Tôn Thất Hào, Võ Thành Trung thỏa thuận với ông Dũng tiếp tục ký 4 phụ lục hợp đồng để gia hạn thời gian hợp tác.
Lấy lý do việc đầu tư không hiệu quả, đến năm 2018, Hào và Trung đề nghị với ông Dũng cho điều chỉnh lãi suất khoản đầu tư. Tháng 3/2018, ông Dũng không thông qua HĐQT, tự ký thỏa thuận bổ sung để điều chỉnh tỷ lệ lợi nhuận từ 7% xuống 0%/năm kể từ tháng 8/2016. Tức, Saigon Co.op không nhận được khoản tiền nào kể cả khoản tiền lãi mà Đại Á và Đô Thị Mới được hưởng.
Sau khi ông Dũng ký thỏa thuận, Hồ Mỹ Hòa đã chuyển lại cho phòng kế toán để thực hiện việc hoạch toán giảm lợi nhuận đối với 2 hợp đồng trên. Nguyễn Thành Nhân đã thông qua báo cáo tài chính có nội dung hạch toán giảm doanh thu như trên.
Theo cơ quan điều tra, đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc Saigon Co.op thiệt hại số tiền lợi nhuận của hai hợp đồng, sau đó bị Cục Thuế TPHCM truy thu thuế và phạt tiền.
Nhà chức trách cáo buộc ông Diệp Dũng đã lạm quyền, tự ý ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư gây thiệt hại cho Saigon Co.op hơn 115 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về thuế là gần 30 tỷ đồng. Hồ Mỹ Hòa, Nguyễn Thành Nhân, Tôn Thất Hào và Võ Thành Trung có vai trò giúp sức ông Dũng.
Theo hồ sơ vụ án, quá trình điều tra ông Dũng có thái độ không hợp tác, song quá trình điều tra ông nhận thức được hành vi của mình là sai, hợp tác với cơ quan điều tra. Ông có nhiều thành tích trong công tác, là con của liệt sĩ và mẹ là người có công với cách mạng, nên cơ quan điều tra đề nghị xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Các bị can khác cũng có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, lần đầu phạm tội.
Ngoài vụ án này, tháng 4/2022, ông Diệp Dũng bị TAND TPHCM tuyên phạt 2 năm tù về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước theo Điều 337 Bộ luật Hình sự.