Dù hội nghị Đối thoại thuế do Cục Thuế TP.HCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức ngày 23-11 kéo dài hơn 4 tiếng, nhưng sau khi kết thúc nhiều doanh nghiệp vẫn lên tận bàn chủ tọa để chất vấn.
Bức xúc vì cán bộ thuế "vô cảm"
Bà Vũ Thị Thu Thủy - phó giám đốc khối tài chính kế toán Công ty Daikin Việt Nam - cho biết thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân được Công ty Daikin Việt Nam phân bổ từ trụ sở chính đến chi nhánh ở các địa phương.
Với quy định đó, công ty đã làm các phụ lục và kê khai trên hệ thống nhưng cơ quan thuế địa phương không ghi nhận số nộp dẫn đến doanh nghiệp bị nợ ảo và bị tính tiền chậm nộp.
Từ tháng 5 đến tháng 10-2022, Công ty Daikin Việt Nam liên tục nhận được các thông báo về các khoản chậm nộp.
"Ngay khi nhận được văn bản đầu tiên, chúng tôi đã liên hệ với cơ quan thuế, đi tới lui để đối chiếu cũng như cung cấp các chứng từ chứng minh doanh nghiệp không nợ thuế. Chúng tôi cũng tích cực liên hệ với cán bộ phụ trách của phòng quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế của Cục Thuế TP.HCM nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để", bà Thủy nói.
Theo bà Thủy, Công ty Daikin Việt Nam là một trong 80 doanh nghiệp được ưu tiên về hải quan nhưng lại vướng nợ thuế, do vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của doanh nghiệp.
"Điều này lãnh đạo Cục Thuế TP có biết không và các phòng ban xử lý như thế nào. Sau sự việc này, biên bản của doanh nghiệp có được xử lý không, liên hệ ai để giải quyết vì doanh nghiệp chỉ liên hệ được đến nhân viên thôi mà cán bộ thuế có khi nghe điện thoại có khi không. Quá vô cảm.
Qua buổi đối thoại này, chúng tôi đề nghị Cục Thuế TP.HCM lắng nghe, nhanh chóng điều chỉnh các sai sót để không ảnh hưởng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính", bà Thủy bức xúc.
Về phản ánh của Daikin, ông Nguyễn Tiến Dũng - cục phó Cục Thuế TP.HCM - ghi nhận và cho biết sẽ chỉ đạo các phòng xử lý dứt điểm ngay khoản nợ ảo này.
Liên quan đến phản ánh của bà Thủy về việc cán bộ thuế "vô cảm", ông Dũng nói doanh nghiệp bức xúc có thể phản ánh trực tiếp lên lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM nếu gặp trường hợp này để cơ quan thuế chấn chỉnh ngay.
Đến cuối ngày hôm nay, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Thủy cho biết đã nhận được thông báo đóng dấu ký tên của Cục Thuế TP.HCM là đã xử lý xong khoản nợ ảo này.
Doanh nghiệp kiệt quệ vì bị ngâm tiền hoàn thuế VAT
Nóng nhất là câu chuyện về ách tắc trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Ngay sau khi kết thúc hội nghị, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã lên tận bàn chủ tọa để hỏi về việc bị chậm hoàn thuế VAT.
Ông Huỳnh Tấn Thống - giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Huỳnh Hải Nam (Tân Bình) - cho biết đã nộp hồ sơ hoàn thuế VAT từ kỳ tháng 12-2021 đến tháng 4-2022 với tổng số thuế đề nghị hoàn ban đầu là 7,5 tỉ đồng. Đến nay hồ sơ đã qua bước xác minh.
Hôm 31-8-2023, doanh nghiệp đã ký biên bản loại trừ hơn 600 triệu đồng do chưa xác minh xong nhưng gần ba tháng trôi qua vẫn chưa được hoàn thuế dù hồ sơ đã được Chi cục Thuế Tân Bình gửi lên Cục Thuế TP.HCM.
"Đến nay tổng số thuế VAT chưa được hoàn lên đến hơn 22 tỉ đồng nếu tính cả những kỳ chưa nộp khiến chúng tôi tắc dòng tiền, phải đi vay ngân hàng để duy trì hoạt động. Vì sao doanh nghiệp chậm nộp thì cơ quan thuế tính lãi ngày trong khi cơ quan thuế chậm hoàn thuế đến mấy năm làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp", ông Thống bức xúc.
Nhiều công ty khác cũng chưa được hoàn thuế như Hoa Sen Vàng, Công ty TNHH thương mại Yong Li Feng… Trong khi đó đại diện Công ty TNHH TM Hòa Thuận (quận 1, TP.HCM) cho biết mới chỉ được hoàn thuế một kỳ trong tổng số 10 kỳ dù công ty chờ mòn mỏi cả mấy năm nay.
Các doanh nghiệp này cũng đặt câu hỏi là vừa qua theo các số liệu công bố thì Cục Thuế TP.HCM cho biết đã đạt gần 81% chỉ tiêu hoàn thuế VAT của năm nay, tương ứng với số tiền thuế VAT đã hoàn là 5.458 tỉ đồng. Tuy nhiên vì sao vẫn còn tình trạng hàng loạt doanh nghiệp bị ngâm tiền hoàn thuế VAT từ vài chục tỉ đồng đến hàng trăm tỉ đồng?…
Sẽ ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác hoàn thuế VAT
Cục Thuế TP.HCM cho biết riêng trong tháng 10 vừa qua đã ban hành 117 quyết định hoàn thuế, tương ứng với số tiền thuế hoàn là 806 tỉ đồng.
Từ nay đến cuối năm, Cục Thuế TP.HCM sẽ ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác hoàn thuế VAT. Song song đó sẽ rà soát những hồ sơ hoàn thuế còn tồn đọng, kịp thời báo cáo Tổng cục Thuế về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Việc này nhằm đảm bảo việc hoàn thuế VAT kịp thời và đúng quy định giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính để tái sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Căng thẳng chưa có hồi kết giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp liên quan đến việc hoàn thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) đã diễn ra gần hai năm qua và ngày càng lan rộng.