Để lôi kéo người bệnh, các "bác sĩ mạng" sử dụng nhiều chiêu thức, mánh khóe thao túng tâm lý nhằm mục đích dụ dỗ người bệnh móc tiền mua thực phẩm chức năng, các loại thuốc "lang băm" chất lượng trời ơi.
Giả danh bác sĩ, chia sẻ thông tin sai sự thật
Mới đây tại TP.HCM, qua ghi nhận thông tin trên các nền tảng mạng xã hội, Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp các đơn vị kiểm tra đột xuất căn nhà của ông Hà Duy Thọ (phường 9, quận Phú Nhuận). Đây là nơi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không phép của ông Thọ và bà Đặng Thị Tuyết Thu (vợ ông Thọ).
Trước khi bị bắt quả tang, trên không gian mạng xã hội, đặc biệt là TikTok và Facebook cá nhân của ông Thọ đã đăng tải nhiều nội dung tư vấn sức khỏe thiếu bằng chứng khoa học.
Ông Thọ có phong thái và cách diễn đạt rất trôi chảy khi trình bày các vấn đề có khi là phản khoa học: uống sữa càng nhiều thì càng bị loãng xương, đặc biệt là sữa bò, sử dụng nước mắm thừa có thể gây ung thư, ăn gạo lứt chữa ung thư...
Các video này thu hút được hàng trăm hàng ngàn lượt xem, ủng hộ từ nhiều người.
Ngoài ra, tài khoản Facebook có tên "Bác sĩ Hà Duy Thọ" còn quảng cáo ông Thọ là bác sĩ dinh dưỡng Hà Duy Thọ và qua đó giới thiệu nhiều sản phẩm thực phẩm. Tại bàn khám, tư vấn có cả "Phiếu khấn nguyện trước khi ăn". Ông Thọ không trình ra được bằng cấp và chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ở thời điểm kiểm tra.
Bệnh nhân K., người được ông Thọ thăm khám, cho hay khi biết được thông tin trên mạng xã hội đã đến tìm ông Thọ để được tư vấn tình trạng sức khỏe. Sau khi tư vấn, chẩn đoán bệnh, ông Thọ yêu cầu anh K. lấy thuốc tại nhà gồm 6 sản phẩm thực phẩm, thực phẩm bổ sung và các chai dung dịch không rõ nguồn gốc ghi nhãn "Dr. Tho" với giá 4.290.000 đồng.
Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) cũng vừa khởi tố 10 bị can về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hơn 7.000 người bệnh tiểu đường, huyết áp bị nhóm thanh niên giả danh bác sĩ Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, lừa đảo bán thuốc, thực phẩm chức năng. Có thể thấy tình trạng giả danh bác sĩ để lừa đảo đang làm mưa làm gió trên mạng xã hội.
Mánh khóe thao túng tâm lý của "bác sĩ mạng"
Khảo sát trên các trang mạng xã hội, hàng ngàn video gắn mác tư vấn sức khỏe từ chế độ dinh dưỡng, chăm sóc da đến điều trị bệnh tiểu đường, huyết áp, thậm chí ung thư.
Một video được lan truyền trên TikTok và Facebook thu hút hàng ngàn lượt xem của người tự nhận là "bác sĩ quân y Phạm Văn Chơn, công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108". Người này khẳng định chỉ cần áp dụng "liệu pháp chữa lành tự nhiên" là chữa tất cả các bệnh.
Sau đó, chủ của trang Facebook có tên H.V.N. dẫn dắt người dân mua thực phẩm chức năng.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khẳng định đây không phải là bác sĩ công tác tại viện, đồng thời phát thông tin cảnh báo đến người dân.
Giống như cách thức lừa đảo của bác sĩ Hà Duy Thọ hay đối tượng mạo danh bác sĩ Bệnh viện 108, các "bác sĩ mạng" luôn cập nhật đan xen quảng cáo bán hàng cùng video hướng dẫn người dân nhận biết những biểu hiện, triệu chứng hay khuyến cáo phòng bệnh.
Ban đầu, người xem tưởng rằng đây là lời tư vấn của các bác sĩ bệnh viện lớn, uy tín nên nghe và làm theo. Một số thông tin đúng sẽ tạo được niềm tin cho người xem.
Khi đã có niềm tin bởi những lời tư vấn "nhiệt tình", "miễn phí", người xem tương tác nhiều hơn và sử dụng các sản phẩm mà bác sĩ dỏm rao bán. Từ đó, người dân từng bước trở thành "con mồi" béo bở của các bác sĩ dỏm này.
Người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo
Là bác sĩ thường xuyên chia sẻ những kiến thức sức khỏe trên mạng xã hội, các kênh YouTube của báo chí, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng) cho rằng không thể phủ nhận được vai trò của công nghệ thông tin trong việc phổ cập kiến thức về y tế đến người dân. Tuy nhiên, để sử dụng một cách hiệu quả, trước tiên người dùng mạng xã hội phải biết chọn lọc thông tin.
"Là bác sĩ, chúng tôi luôn khuyến cáo người dân khi có triệu chứng bất thường về sức khỏe cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn. Những thông tin trên mạng xã hội chỉ có thể mang tính chất tham khảo. Không có loại thuốc, đơn thuốc nào có thể phù hợp với tất cả bệnh nhân, bất kỳ thể trạng nào.
Lợi dụng sự thiếu thông tin, hiểu biết của người dân, một số người mạo danh bác sĩ để bán thuốc trục lợi", bác sĩ Hoàng nhận định.
Một bác sĩ chuyên khoa ung bướu tại TP.HCM cũng chia sẻ thêm, người dùng mạng xã hội phải thật tỉnh táo, chỉ nên tham khảo các thông tin trên bài viết nghiên cứu gốc hoặc có trích dẫn từ nghiên cứu đã được chứng minh, hoặc bài viết do chuyên gia viết.
Đặc biệt, không nên tin quảng cáo rao bán thuốc qua mạng không có rõ nguồn gốc, xuất xứ. Khi nghi ngờ bản thân có các dấu hiệu bệnh tật phải đến các cơ sở uy tín để được thăm khám, không nên tin tưởng vào các thông tin trên Internet không rõ nguồn gốc.
Cấm sử dụng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo sản phẩm
Theo bà Trần Việt Nga - phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), quảng cáo thực phẩm dù với bất kể hình thức thế nào, nếu đưa thông tin sai sự thật đều là hành vi vi phạm pháp luật.
"Sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo có thể mang lại niềm tin cho người tiêu dùng, nhưng phát ngôn, nhận xét của những người đó hoàn toàn là những hành vi mà pháp luật đã nghiêm cấm.
Luật An toàn thực phẩm cũng như nghị định 15 cấm sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế, hay thư tín của người bệnh theo hình thức 'Tôi đã sử dụng sản phẩm này tốt và sau bao lâu thì khỏi bệnh'", bà Nga nêu rõ.
TTO - Hàng loạt vụ biến chứng, tử vong trong thẩm mỹ xảy ra ồ ạt hơn sau đại dịch COVID-19. Công nghệ 4.0 bùng nổ sau đại dịch, trong đó mạng xã hội TikTok đang là "thị trường" béo bở để quảng bá dịch vụ, trong đó có dịch vụ của các "bác sĩ thẩm mỹ".