Tuy nhiên, với quy định giữ nguyên tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân là 5% (thay vì giảm xuống 3% như đề xuất ban đầu); giảm dần giới hạn cấp tín dụng xuống 10% vốn tự có đối với một khách hàng và 15% vốn tự có đối với khách hàng và người có liên quan trong 5 năm, nhiều ĐB cho rằng sẽ không thực sự có hiệu quả.
Theo ông Hòa, cốt lõi là NH Nhà nước (NHNN) giám sát được các ông chủ NH là doanh nghiệp (DN) lớn hiện nay, không để xảy ra trường hợp như ở SCB. "Có khi người ta nghĩ rằng tiền gửi của người dân vào các NH này không đến tay của DN, người vay vì vay thì rất khó khăn nhưng ông chủ, cổ đông của các NH thì vay rất dễ dàng. Tình hình này nếu không kịp thời ngăn chặn, khả năng lại xảy ra các vụ SCB như chơi", ông Hòa nêu.
ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) thì đề nghị minh bạch thông tin của tất cả các cá nhân, tổ chức là cổ đông của NH thương mại thay vì giảm tỷ lệ sở hữu. Xác định nghĩa vụ công bố thông tin đối với cổ đông và nhóm người có liên quan sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng trên một mức cụ thể. ĐB cũng kiến nghị kiểm soát được dòng tiền, nguồn tiền góp vốn thông qua cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt và áp dụng kiểm soát dữ liệu cá nhân.
"Chỗ này quy định hết sức cụ thể liên quan dòng tiền vì dòng tiền không phải tự nhiên nó có. Nó phải từ đâu đó, từ cá nhân nào đi. Vụ Vạn Thịnh Phát cho ta thấy một bài học như vậy", ông An đề nghị.
Liên quan tới các quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt, chuyển giao bắt buộc với các NH yếu kém, thua lỗ là vấn đề chưa thống nhất, ông An đề nghị phải làm rõ ranh giới cũng như trường hợp nào thì can thiệp sớm, trường hợp nào thì kiểm soát đặc biệt chứ không quy định chung chung. "Khi NH không thanh khoản được hoặc tình trạng rút tiền hàng loạt xảy ra thì nên chuyển về kiểm soát đặc biệt chứ không để can thiệp sớm", ông An nhấn mạnh.
Giải trình, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, dự thảo đưa ra quy định giảm tỷ lệ sở hữu của cá nhân từ 5% xuống 3%, nhưng qua thảo luận, một số ĐB ý kiến không cần quy định 5%. Theo bà Hồng, quy định không xử lý được vấn đề thao túng, sở hữu chéo, quan trọng nhất là tổ chức thực hiện. Theo Thống đốc, việc xử lý đòi hỏi phối hợp chặt chẽ giữa NH và cơ quan quản lý địa phương, đặc biệt là minh bạch thông tin.
Liên quan đến can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt và cho vay đặc biệt, bà Hồng cho hay, trong quá trình xử lý các NH yếu kém và SCB, khi tham vấn các cơ quan bộ ngành đều hỏi những biện pháp này quy định như thế nào trong luật. "Nếu luật không có quy định thì rất khó có biện pháp để xử lý trong trường hợp cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống quốc gia", bà Hồng nói.