Có mặt tại TP.HCM, tổng thư ký Liên đoàn Vovinam thế giới (WVVF) kiêm chủ tịch Liên đoàn Vovinam châu Âu (EVVF) Florin Macovei không giấu được niềm hạnh phúc. "Đã 12 năm trôi qua, chúng tôi rất phấn khởi khi trở lại mảnh đất khai sinh ra môn vovinam", ông Florin Macovei chia sẻ.
Sự lớn mạnh của võ Việt
Giải diễn ra từ ngày 24 đến 30-11 tại nhà thi đấu Phú Thọ với sự tham dự của hơn 650 VĐV đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là số lượng VĐV đông đảo bởi ở giải đấu đầu tiên tại TP.HCM năm 2009, chỉ có 170 VĐV đến từ 14 quốc gia tranh tài.
Vovinam hiện đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, phủ kín 5 châu lục, thu hút hơn 2,5 triệu võ sinh tham gia luyện tập. Nhiều quốc gia mới đã theo tập vovinam như Phần Lan, Libya,Venezuela, Hàn Quốc...
Con số này sẽ không dừng lại bởi những người mang trách nhiệm quảng bá vovinam ra thế giới vẫn muốn phát triển phong trào rộng khắp hơn nữa. Không chỉ gieo mầm võ Việt mà còn cả văn hóa Việt Nam như chia sẻ của chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam và thế giới Mai Hữu Tín.
Trước lễ khai mạc, vào buổi sáng sẽ diễn ra Đại hội WVVF. Đây là đại hội quan trọng, bởi lãnh đạo các tổ chức vovinam trên thế giới sẽ điều chỉnh lại toàn bộ tài liệu các hoạt động, điều lệ, các văn bản hoạt động của các ủy ban theo chuẩn Olympic. Đây là bước đi đầu tiên để khẳng định vovinam đáp ứng được các bước chuẩn Olympic nhằm có thể tiến vào Đại hội thể thao châu Á (Asiad) hay Olympic.
Tề tựu tại đất tổ, các môn sinh sẽ đón nhận niềm vui trong ngày khai mạc khi vovinam Việt võ đạo vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là cơ sở tiền đề để hướng tới việc đưa vovinam là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Háo hức tìm về nguồn cội
Năm 2023, vovinam kỷ niệm 111 năm ngày sinh của sáng tổ Nguyễn Lộc, 85 năm ngày thành lập môn phái và 15 năm Liên đoàn Vovinam thế giới ra đời. Vì thế, Giải vô địch vovinam thế giới lần 7-2023 càng trở nên ý nghĩa hơn không chỉ với môn sinh thế giới mà còn với Việt Nam.
Trong những ngày qua, các đoàn đến Việt Nam đều tranh thủ đến nhà cố võ sư Chánh chưởng quản môn phái Nguyễn Văn Chiếu thắp nhang tưởng niệm, đặc biệt là nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Ông Chiếu là một trong những người đầu tiên đặt nền móng vovinam phát triển ra thế giới. Nhà của ông Chiếu cũng là nơi cưu mang nhiều thế hệ môn sinh trên thế giới tìm đến ăn ở, tập luyện.
Dù chỉ mới tập vài tháng nhưng các võ sĩ của Libya, Hàn Quốc cũng háo hức sang giao lưu và tranh tài. Tìm đến cội nguồn môn võ, được xem các VĐV đẳng cấp của Việt Nam biểu diễn và tranh tài vẫn đem đến nhiều cảm giác đặc biệt với họ. Với nhiều môn sinh là Việt kiều Đức, Pháp, họ đưa cả gia đình của mình sang để tranh thủ thăm quê hương, tìm lại nguồn cội.
Việc tập luyện chuẩn bị cho giải cũng cực kỳ nghiêm túc nhằm đem huy chương về cho đất nước. Ở giải lần 6-2019 tại Campuchia, ba vị trí dẫn đầu lần lượt là Việt Nam, Campuchia và Algeria. Nhưng lần này, cuộc cạnh tranh vị trí thứ 2 và 3 sẽ càng quyết liệt hơn nữa khi các đoàn đều đầu tư và tập luyện cực kỳ nghiêm túc trong 4 năm qua.
Không ai gắn bó với vovinam nhiều như võ sư Florin Macovei. Sau khi đam mê vovinam, từ năm 1999 đến nay, người đàn ông Romania này đã đến Việt Nam gần 20 lần. "Tôi đã đến Việt Nam từ 24 năm trước nhưng vẫn cảm nhận được đặc trưng văn hóa trong võ thuật Việt Nam cho đến ngày nay", ông Florin nói.
Giải có 650 VĐV đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Ngày tranh tài chính thức của giải sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 30-11.
Các VĐV tranh tài ở 44 nội dung. Trong đó, nội dung biểu diễn quyền có 26 bộ huy chương với 15 bộ dành cho nam và 11 bộ dành cho nữ. Nội dung đối kháng có 18 bộ huy chương với 11 hạng cân nam từ 51kg đến trên 92kg và 7 hạng cân nữ từ 48kg đến trên 66kg.
Hai ngày qua môn sinh vovinam các nước đã đổ về TP.HCM để chuẩn bị cho Giải vô địch vovinam thế giới lần 7-2023, khai mạc ngày 24-11 tại nhà thi đấu Phú Thọ. Đáng chú ý là hành trình tìm về cội nguồn vovinam của võ sĩ Majdi Al Shtewi (Libya).