Viễn cảnh này cũng đang làm dấy lên tranh cãi về việc cần phải áp dụng quy định quản lý, sử dụng loại vũ khí này ra sao khi mà công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng được ứng dụng nhiều hơn, kể cả ở những khâu đưa ra quyết định sinh tử.
Cuộc đua drone quân sự
Theo một thông tin từ đầu năm 2023 của Lầu Năm Góc, Mỹ đang tiến hành tăng số lượng các thiết bị bay không người lái (drone) "sát thủ". Đây dự kiến sẽ là một mạng lưới gồm hàng trăm hoặc hàng ngàn drone được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) cùng nhiều thiết bị trinh sát hoặc vũ khí.
Vào tháng 8-2023, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks thông báo về sáng kiến "Replicator" với việc tăng thêm hàng ngàn drone trong thời gian từ 18 - 24 tháng. Theo bà Hicks, các drone tích hợp công nghệ AI sẽ giúp Mỹ ứng phó hiệu quả hơn trước lợi thế về số lượng nhân lực và vũ khí của quân đội Trung Quốc.
Tuy nhiên, vào tháng 11-2023, tại Triển lãm Hàng không Chu Hải, Trung Quốc cũng đã ra mắt FH-97A - loại drone giống chiến đấu cơ phản lực. FH-97A được mô tả có khả năng tự hành cao, cung cấp thông tin tình báo và bổ sung hỏa lực khi hoạt động bên cạnh các chiến đấu cơ có người lái.
Drone tích hợp AI được cho là giải pháp cho nhu cầu cấp thiết trong việc tăng cường kiểm soát không phận tầm thấp của Trung Quốc. Phát biểu tại Đại hội Đảng vào tháng 10-2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết tăng tốc phát triển drone và vũ khí tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI).
Nhìn lại những gì đã diễn ra trên chiến trường Ukraine thời gian qua, báo Financial Times gọi đây là "cuộc chiến drone" lớn nhất và rõ ràng nhất mà thế giới từng chứng kiến cho tới nay. Theo báo Kyiv Independent, drone Lancet của Nga đã tiêu diệt nhiều khí tài quân sự phương Tây cung cấp cho Ukraine bao gồm: xe tăng, pháo, bệ phóng hệ thống tên lửa phòng không S-300, radar phòng không...
Ukraine cũng đã dùng drone mang theo chất nổ tấn công các tàu Nga. Một thông cáo hồi tháng 2-2023 của Chính phủ Mỹ cho biết gói viện trợ quân sự của họ cho Ukraine bao gồm drone ALTIUS 600 mang đầu đạn do Công ty quốc phòng Anduril Industries của nước này sản xuất.
Không dễ đồng thuận
Một số doanh nghiệp quốc phòng cho rằng những cuộc tấn công chết người được điều khiển hoàn toàn bằng AI còn nhiều năm nữa mới thành hiện thực. Bởi hiện tại các thuật toán tiên tiến nhất vẫn chưa đủ tin cậy để đưa ra các quyết định sống còn.
"Khoảng một thập niên trước, khi chúng ta bàn về điều này, nó là khoa học viễn tưởng. Bây giờ thì không như thế nữa, công nghệ này đang trở nên rất thực", báo New York Times dẫn bình luận của ông Paul Scharre, một cựu quan chức Lầu Năm Góc.
Tuy nhiên các cơ quan Liên Hiệp Quốc tỏ ra lo ngại với những hệ thống vũ khí đang được phát triển gần đây. Trước cuộc chạy đua phát triển và triển khai công nghệ mới có thể làm thay đổi bản chất chiến tranh của Mỹ, Trung Quốc và một số nước, nhiều quốc gia đã đề nghị Liên Hiệp Quốc áp đặt các quy tắc ràng buộc pháp lý đối với việc sử dụng vũ khí sát thương tự động.
"Đây thật sự là bước ngoặt quan trọng đối với nhân loại. Vai trò của con người ở đâu trong việc sử dụng vũ lực - đây là vấn đề an ninh cốt lõi, vấn đề pháp lý và vấn đề đạo đức" - ông Alexander Kmentt, trưởng phái đoàn đàm phán của Áo về vũ khí tự động, nêu quan điểm trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Tuy nhiên các nước như Mỹ, Nga, Úc và Israel lập luận hiện chưa cần đến các quy định quốc tế mới. Chưa kể, Mỹ, Trung Quốc và Nga còn cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) và vũ khí tự động có thể giảm thương vong cho dân thường và tránh được các thiệt hại vật chất. "Chúng tôi không thấy đây là thời điểm thích hợp" - ông Konstantin Vorontsov, phó trưởng phái đoàn Nga, phát biểu trong cuộc họp tại trụ sở Liên Hiệp Quốc.
Giới công nghệ phản đối vũ khí hóa AI
Năm 2018, các nhân viên của Google đã biểu tình phản đối việc công ty này tham gia dự án Raven của Lầu Năm Góc với ý tưởng dùng AI để xác định các tòa nhà và mục tiêu từ hình ảnh quay bằng drone.
Khi đó giám đốc điều hành Google, ông Sundar Pichai, đã nhấn mạnh lại nguyên tắc của công ty, khẳng định họ sẽ không phát triển AI cho vũ khí và các công nghệ có mục đích hay được triển khai để gây sát thương.
Cùng năm đó, các nhân viên tại Microsoft cũng đã phản đối đề xuất về một dự án liên doanh cơ sở hạ tầng quốc phòng. Năm 2019, nhân sự của Microsoft cũng gây áp lực để tập đoàn này ngừng sản xuất tai nghe HoloLens cho quân đội Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký sắc lệnh hành pháp đầu tiên về trí tuệ nhân tạo (AI), trong lúc chính phủ nhiều nước cũng đang nỗ lực quản lý công nghệ đang phát triển 'quá nhanh, quá nguy hiểm' này.