Đảng Quyền lực nhân dân Hàn Quốc (PPP) cầm quyền đã đề xuất một dự luật với mức phạt tối đa 5 năm tù hoặc phạt 50 triệu won (khoảng 38.000 USD) đối với những cá nhân tham gia vào việc buôn bán thịt chó.
Đảng Dân chủ Hàn Quốc (DP) đối lập ủng hộ dự luật phạt tù 3 năm và phạt tiền lên đến 30 triệu won (khoảng 23.000 USD) cho hành vi này.
Nếu được ban hành, các biện pháp này sẽ có hiệu lực vào năm 2027, Chính phủ Hàn Quốc sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính giúp các doanh nghiệp liên quan chuyển đổi kinh doanh.
Tuy nhiên, hồi đầu tuần, ông Joo Young Bong, người đứng đầu Hiệp hội Nông dân nuôi chó lấy thịt Hàn Quốc, tuyên bố nhóm này "đang rất phẫn nộ" và đang tính đến việc sẽ thả 2 triệu con chó mà họ nuôi gần văn phòng tổng thống, nhà của bộ trưởng nông nghiệp và văn phòng của các nhà lập pháp đã đề xuất dự luật, báo SCMP dẫn lời ông Joo.
Hiệp hội của ông Joo đã từng đề nghị Chính phủ Hàn Quốc phân loại chó là một loại gia súc, nhưng không có kết quả.
Các nhóm bảo vệ quyền động vật, trong đó có Tổ chức Humane Society International, hoan nghênh lệnh cấm và ca ngợi đây là chiến thắng cho nỗ lực chấm dứt nạn buôn bán thịt chó ở Hàn Quốc.
Mỗi năm có khoảng 1 triệu con chó tại Hàn Quốc bị nuôi trong điều kiện tồi tàn và thiếu thốn để cung cấp thịt cho con người.
Theo số liệu của chính phủ, Hàn Quốc có khoảng 1.150 trại nuôi chó, 34 lò giết mổ, 219 doanh nghiệp phân phối, và khoảng 1.600 nhà hàng thịt chó.
Thịt chó được biết đến là món ăn "quốc hồn quốc túy" của Hàn Quốc. Món boshintang hay thịt chó hầm từ lâu đã là món ăn để người dân Hàn Quốc chống lại cái nóng trong ngày nóng nhất trong năm.
Trong khi đó, vào tháng 4-2023, đệ nhất phu nhân Hàn Quốc Kim Keon Hee cam kết chấm dứt việc tiêu thụ thịt chó trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Yoon Suk Yeol kết thúc vào năm 2027.
Vợ chồng tổng thống Hàn Quốc hiện đang nuôi 6 con chó và 5 con mèo.
"Việc tránh ăn thịt chó thể hiện sự tôn trọng cho người bạn thân nhất của con người và tôn trọng sự sống", bà Kim trả lời báo Seoul Sinmun vào năm 2022.
Theo khảo sát của Gallup Hàn Quốc năm 2022, khoảng 64% người được hỏi phản đối việc tiêu thụ thịt chó. Chỉ có khoảng 8% tham gia khảo sát cho biết đã có ăn thịt chó trong năm, giảm mạnh so với tỉ lệ 27% trong khảo sát năm 2015.
Khảo sát mới nhất của Hiệp hội Nhân đạo quốc tế Hàn Quốc, 53,6% người trẻ tại đất nước này cho biết họ đã vô tình ăn phải thịt chó do áp lực từ những người lớn trong gia đình.