PGS.TS Bùi Bá Bổng - nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết như vậy tại hội thảo "Lúa gạo tăng giá, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài" do báo Tuổi Trẻ phối hợp Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức chiều 24-11.
Năng suất lúa của Việt Nam vượt trội
PGS.TS Bùi Bá Bổng khát quát những ưu thế của ngành lúa gạo Việt Nam là sở hữu hệ thống thủy lợi phát triển, được thể hiện qua tỉ lệ diện tích lúa có tưới lên đến 85%. Vùng sản xuất tập trung, đặc biệt là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó là sự đóng góp hiệu quả của khoa học công nghệ. Đặc biệt, bộ giống lúa chất lượng cao như Đài Thơm 8, OM18, ST25 và các kỹ thuật canh tác tiên tiến đã mang lại năng suất lúa vượt trội so với khu vực, đột phá về giá trị gạo xuất khẩu.
"Tất cả giống lúa chất lượng là do các nhà nghiên cứu, nhà khoa học của chúng ta tạo ra, năng suất rất tốt. Năng suất đạt cao trong khu vực, Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn trong khu vực, nhưng cũng giảm so với chúng ta. Chúng ta vượt trội hơn hai nước xuất khẩu gạo lớn là Thái Lan và Ấn Độ", ông Bổng nói.
Dù hạ tầng đã có sự vượt trội, nhưng đời sống của người trồng lúa vẫn còn nhiều khó khăn, ngoài vấn đề diện tích nhỏ thì còn là chuyện của thiếu liên kết, thiếu đầu tư của nông dân, doanh nghiệp.
Ông Bùi Bá Bổng dẫn chứng trong khảo sát năm 2021 cho thấy nông dân có 3 kênh tiêu thụ lúa nhưng bán trực tiếp cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu chỉ chiếm 12,1% tổng sản lượng. Bán qua hợp tác xã chiếm 37,5%, trong khi bán qua thương lái gần 50%. Diện tích sản xuất lúa có liên kết chỉ đạt 10%.
Ngành lúa gạo cần hình thành chuỗi giá trị
Để khắc phục và giúp người trồng lúa gạo thịnh vượng hơn, PGS.TS Bổng cho rằng nông dân cũng cần tăng quy mô nông hộ, tập trung, tích tụ đất lúa. Từ đó sẽ tác động đến gia tăng hiệu quả sản xuất lúa và thu nhập. Kéo giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, liên kết hợp tác cánh đồng lớn và hợp tác xã.
Liên kết hợp tác với doanh nghiệp, đa dạng hóa nguồn thu nhập, cải thiện môi trường sản xuất. Từ đó đóng góp cho an ninh lương thực, xuất khẩu, bảo vệ môi trường, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Ngành lúa gạo cần hình thành chuỗi giá trị, bao gồm liên kết ngang giữa các nông dân, hợp tác xã và liên kết dọc giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp. Áp dụng kỹ thuật thực hành sản xuất tốt như 1 phải 5 giảm, sử dụng giống xác nhận 5 giảm về lượng giống gieo sạ, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, lượng nước tưới và thất thoát sau thu hoạch, dẫn đến giảm chi phí sản xuất 30%.
"Nông dân cần kết hợp cơ giới hóa, tự động hóa và công nghệ số. Sản xuất lúa giảm phát thải để tạo hình ảnh mới về lúa gạo Việt Nam. Tái sử dụng rơm rạ, sản xuất phân hữu cơ từ rơm.
Nông dân có thể tăng thu nhập nhờ bán tín chỉ carbon. Xây dựng gạo an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế về giới hạn dư lượng thuốc trừ sâu và chất độc hại. Sản xuất gạo chất lượng cao theo thị hiếu thị trường trong nước và xuất khẩu, chất lượng về dinh dưỡng, ngừa bệnh", ông cho biết thêm.
PGS.TS Bổng cũng đề xuất ngành nông nghiệp Việt cần đạt mục tiêu giữ diện tích đất lúa 3,5 triệu ha. Sản lượng 35 triệu tấn, xuất khẩu 4 triệu tấn. Ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến đạt 70% diện tích, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số đạt 20%. Giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học còn 40%.
Nâng tỉ lệ cơ giới hóa đạt bình quân 80%, riêng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 100%. Tỉ lệ diện tích gieo trồng liên kết sản xuất, tiêu thụ đạt khoảng 50%. Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa còn 10%.
Trong khi nông dân phấn khởi vì giá lúa chưa bao giờ cao như thế, giá gạo xuất khẩu cao kỷ lục thì nhiều doanh nghiệp ngành gạo kêu thua lỗ, không dám mua bán. Chuyện gì đang xảy ra với ngành gạo?