Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cơ bản thống nhất cơ sở dữ liệu thu được từ thiết bị giám sát camera hành trình sẽ được trung tâm chỉ huy giao thông do cảnh sát giao thông quản lý, vận hành khai thác với mục đích nhằm vận hành giao thông, giải quyết tai nạn, xử lý vi phạm và phòng chống tội phạm.
Tuy nhiên, tính đến tháng 6-2023 cả nước có trên 6 triệu ô tô và 73 triệu xe máy đang lưu hành. Nếu dự thảo luật được thông qua thì sẽ có đến hàng chục triệu xe máy bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình.
Như đại biểu Sang nói, hiện nay tại nhiều quốc gia phát triển người dân không lắp đặt camera hành trình để chứng minh sự trong sạch.
Thay vào đó là cơ quan chức năng phải chứng minh chủ xe vi phạm giao thông thì mới được xử phạt. Vẫn chưa có đất nước nào quy định bắt buộc xe máy phải lắp camera hành trình.
Việc lắp đặt thiết bị sẽ can thiệp vào hệ thống điện của xe, cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Qua hoạt động tiếp xúc cử tri cho thấy quy định bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát camera hành trình cho xe máy khó khả thi do số lượng quá lớn, khó trong quản lý giám sát của cơ quan chức năng. Trong khi thu nhập bình quân của người dân còn thấp và đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn.
"Nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn thì việc mua được xe máy để đi đã là một điều khó khăn. Giờ lại phải cõng thêm một khoản chi phí để lắp camera hành trình cần phải xem xét lại. Vì họ chỉ sử dụng phương tiện này để đi làm vườn, đi nương, đi rẫy thì có hiệu quả hay không" - bà Sang nói.
Bà Sang đề nghị với ô tô và xe máy quy định theo hướng khuyến khích người dân lắp thiết bị giám sát hành trình. Đồng thời, nên tổ chức thí điểm và có lộ trình phù hợp để tránh gây hiệu ứng ngược.
Đề nghị chỉ bắt buộc lắp camera hành trình với xe kinh doanh
Tương tự, đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) đặt câu hỏi quy định xe cơ giới, xe tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu hình ảnh của người lái xe... có vi phạm đến bí mật đời tư của cá nhân hay không.
Và trong bối cảnh điều kiện nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay, liệu có tính khả thi trong thực tế, đặc biệt là với các hộ nghèo, cận nghèo.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết dự thảo quy định đối tượng áp dụng thiết bị giám sát hành trình còn khá rộng. Quy định của dự thảo luật có thể hiểu tất cả các loại xe, bao gồm cả xe cá nhân đều phải gắn giám sát hành trình.
Đại biểu đề nghị theo hướng chỉ quy định giám sát hành trình đối với ô tô kinh doanh hợp đồng, vận tải xe khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển...
Qua ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia đề nghị cân nhắc, không nên bắt buộc tất cả các phương tiện phải lắp camera hành trình.